Rượu Mao Đài gây sốt bất chấp chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

24/05/2017 16:34 GMT+7

Sức tiêu thụ rượu Mao Đài, quốc tửu của Trung Quốc, đang tăng đột biến sau thời gian tạm lắng dưới chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Được xem là loại quà tặng đắt tiền thường dùng để biếu xén, rượu Mao Đài của Trung Quốc đang được tiêu thụ mạnh trở lại. Theo tờ South China Morning Post ngày 24.5, rượu Mao Đài Quý Châu “đắt như tôm tươi” khiến giá cả tăng chóng mặt mà không có hàng để bán.
Sản phẩm chủ đạo là loại Phi Thiên 53% độ cồn đang được săn lùng khắp cả nước và những nhà phân phối, bán lẻ lẫn người tiêu dùng đều đầu cơ mặt hàng này để chờ tăng giá.
“Căn bản là chỉ có người mua mà không có người bán”, một chủ đại lý rượu ở Quảng Châu cho biết. Ông này cho hay nhiều người đang đầu cơ rượu Mao Đài sau khi lệnh siết chặt tiệc tùng xa hoa đối với quan chức có dấu hiệu được nới lỏng.
Uống không mua, mua không uống
Một chủ đại lý rượu khác cho biết giá bán một chai Mao Đài Phi Thiên đời 2014 hiện có giá hơn 2.000 nhân dân tệ (6,58 triệu đồng), gấp đôi so với năm ngoái. Trong khi đó, loại sản xuất năm 2003 có giá lên đến 4.000 nhân dân tệ.
Theo South China Morning Post, trước tình hình trên, hãng Mao Đài dự tính phạt hơn 100 nhà phân phối vì tăng giá bất thường và đầu cơ trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, động thái này lại làm thị trường chợ đen bùng nổ.
Cổ phiếu của Mao Đài cũng tăng vọt và chốt ở mức 454 nhân dân tệ trong phiên giao dịch ngày 23.5, mức cao nhất kể từ khi chào bán lần đầu tiên vào năm 2001 và tăng hơn ba lần so với đầu năm 2014.
Rượu Mao Đài từng được cố Thủ tướng Chu Ân Lai dùng để chiêu đãi Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Bắc Kinh. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cũng nhiều lần dùng rượu này để chiêu đãi cựu Cố vấn an ninh Mỹ Henry Kissinger. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng tặng cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu vài chai Mao Đài.
Tuy nhiên, loại rượu này cũng khét tiếng là biểu tượng một thời của biếu xén, đút lót và lãng phí. Câu nói “người uống Mao Đài không mua, người mua Mao Đài không uống” từng rất nổi tiếng ở Trung Quốc cho đến cuối năm 2012, thời điểm ông Tập bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng và siết chặt kỷ luật về lối sống của cán bộ.
Loại rượu ‘đa năng’
Trong một phim tài liệu phát trên truyền hình quốc gia vào tháng 10.2016, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc mô tả chi tiết chính sách của ông Tập đã biến rượu Mao Đài "từ thức uống của các quan chức tham nhũng thành loại rượu cho mọi giới".
Bộ phim cũng dẫn lời một số quan chức khai nhận bị “ám ảnh” bởi loại rượu này đến mức nào. Trương Kiện Tân, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Thiên Tân, từng đổ rượu Mao Đài vào chai nước suối để tránh bị chụp ảnh uống rượu. Cựu Bí thư Nam Kinh Dương Vệ Trạch thú nhận rất thích uống rượu Mao Đài, đặc biệt là loại lâu năm. Một chai Mao Đài sản xuất vào khoảng năm 1960 có thể có giá đến 100.000 nhân dân tệ (329,2 triệu đồng).
Sau khi ông Tập phát động chiến dịch chống tham nhũng và kỷ luật hàng chục ngàn quan chức, sĩ quan quân đội thì tình hình kinh doanh rượu Mao Đài sụt giảm mạnh vào năm 2014, khiến doanh thu của hãng Mao Đài Quý Châu giảm xuống chỉ còn 1,9%.
Tuy nhiên, doanh thu lại tăng vọt lên 12,2% vào năm 2015 và 17,4% vào năm ngoái. Các chuyên gia dự báo rượu Mao Đài Quý Châu sẽ tăng doanh thu lên 42,4% trong năm nay.
Nhân viên tiếp thị rượu Mao Đài ở Quảng Châu Reuters
        
Một nhân viên ngân hàng ở Quảng Châu cho biết nhiều doanh nhân và quan chức đã uống Mao Đài Phi Thiên trở lại. “Chúng tôi cảm thấy tình hình còn không khắt khe và nhạy cảm như vài năm trước”, nhân viên này nói và cho biết ông hiện uống Mao Đài gần như mỗi ngày trong các buổi tiệc “bôi trơn” hợp đồng.
Ông Trang Đức Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về liêm chính trong chính phủ, tại Đại học Bắc Kinh cho biết nhóm của ông cần thời gian và chứng cứ để xác định liệu có mối liên hệ giữa việc gia tăng tiêu thụ rượu Mao Đài và tình trạng phung phí trở lại không.
“Dù gì đi nữa thì chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ vẫn đang tiếp diễn”, ông nói.
Trong khi đó, giới quan sát cũng đưa ra khả năng nhiều người đổ tiền đầu tư vào rượu Mao Đài vì khó mua được bất động sản ở các thành phố lớn, nướng sạch tiền vào chứng khoán hoặc chỉ đơn giản là không thể chuyển tài sản ra nước ngoài.
Kevin Li, một người phân phối rượu Mao Đài ở Quảng Châu cho biết ông không sợ chính quyền ra các quy định ảnh hưởng siết chặt kinh doanh như trong lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán.
“Rủi ro thấp hơn chứng khoán. Khi giá sụt, bạn chỉ cần trữ lại chờ rượu lên giá. Rượu Mao Đài càng cũ thì càng có giá. Chỉ việc chờ đợi nó lên giá thôi”, Li nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.