Rủi ro khi Trung Quốc tăng mạnh ngân sách quốc phòng

06/03/2021 18:47 GMT+7

Việc Trung Quốc tăng cao ngân sách quốc phòng năm 2021 khiến tình hình khu vực tiềm ẩn nhiều căng thẳng và rủi ro, nên các nước cần phối hợp để ứng phó.

Theo tờ South China Morninh Post, trong kỳ họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) đang diễn ra tại Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của nước này cho năm 2021 được công bố ở mức 209 tỉ USD. Với mức này, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay tăng 6,8% so với năm 2020. Năm 2020, mức tăng là 6,6% so với năm 2019.

Gây nhiều quan ngại

Một trong những lý do đưa ra mức tăng trên, theo ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc, là nhằm tăng cường huấn luyện để nâng cao sức chiến đấu cho quân đội nước này. Theo thông tin trước đó từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khoảng 1/3 ngân sách sẽ được đầu tư cho các dự án phục vụ việc tập trận. Phần còn lại dành cho việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị và tiền lương.

Thời gian qua, Trung Quốc tham dự vào nhiều căng thẳng, đặc biệt là đối với các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ. Vì thế, việc Bắc Kinh tăng cao ngân sách quốc phòng sẽ gây quan ngại cho nhiều nước.

Tàu đổ bộ tấn công chở trực thăng lớp Type 075 thứ ba của Trung Quốc hạ thủy cuối tháng 1.2021. Từ năm 2019 đến nay Trung Quốc đã ồ ạt đóng và hạ thủy 3 tàu đổ bộ Type 075 (40.000 tấn, chở được 30 trực thăng)

Ảnh chụp màn hình Hoàn Cầu thời báo

Trên biển, Bắc Kinh đang có nhiều hành động bị lên án ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Trên đất liền, tình hình biên giới Trung Quốc - Ấn Độ liên tục căng thẳng trong năm 2020, thậm chí từng bùng phát đụng độ khiến hàng chục binh sĩ và sĩ quan của cả hai nước thiệt mạng.

Mối quan ngại càng lớn hơn khi tình hình kinh tế khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều nước không tăng ngân sách quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc lại không ngừng tăng mức chi tiêu quân sự, bổ sung nhiều loại tàu chiến, tên lửa... Dự kiến trong năm nay, Trung Quốc sẽ hoàn thành thêm tàu sân bay nội địa thứ 2.

Hợp lực ứng phó

So với Mỹ hiện có mức ngân sách quốc phòng gần 750 tỉ USD, Trung Quốc chi tiêu cho quân sự vẫn còn ít hơn rất nhiều, nhưng khoảng cách ngày càng rút ngắn khi mức tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ chỉ khoảng 0,2%.

Bên cạnh đó, giới quan sát khuyến nghị rằng các nước cần sớm giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc vì 2 lý do. Thứ nhất, Trung Quốc có thể dùng kinh tế làm sức ép chính trị và ngoại giao nhằm vào đối phương. Thứ hai, sự lệ thuộc còn giúp kinh tế Trung Quốc phát triển, và khi kinh tế càng tăng trưởng thì Bắc Kinh sẽ càng đổ tiền nhiều hơn cho quân sự rồi đe dọa các nước.

TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng thực tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Bắc Kinh đang tăng nhanh ngân sách quốc phòng, còn mức tăng của Washington thì giới hạn hơn. Vì thế, Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách sức mạnh quân sự so với Mỹ. Giữa bối cảnh này, vai trò của các đồng minh với Mỹ cần được tăng lên, bằng cách tăng cường chia sẻ gánh nặng với Washington.

Và thực tế, các đồng minh của Mỹ cũng đang theo đuổi kế hoạch chia sẻ gánh nặng vừa nói. Cụ thể như Anh, Pháp, Canada, Úc... đều có kế hoạch tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific nói chung, hay Biển Đông và biển Hoa Đông nói riêng.

Tàu chiến và máy bay của Mỹ, Nhật và Úc trong một cuộc tập trận chung vào năm 2020

US PACOM

Điển hình như Úc, hồi tháng 7.2020, Thủ tướng Scott Morrison  đã thông tin về chiến lược quốc phòng của nước này trong thời gian tới, chuyển hướng trọng tâm vào Indo-Pacific. Trong đó, Úc đưa ra kế hoạch sẽ chi khoảng 270 tỉ AUD (khoảng 200 tỉ USD) trong 10 năm tới.

Theo tờ Japan Times, Úc dự kiến mua tên lửa diệt hạm tầm xa AGM-158C của Mỹ có tầm bắn khoảng 370 km, và có thể được trang bị cho nhiều loại chiến đấu cơ như tiêm kích F/A-18 Super Hornet, oanh tạc cơ chiến lược tầm xa B-1 Lancer, tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-35, máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon... Với kế hoạch này, Canberra sẽ tăng cường sức mạnh tấn công trên biển. Bên cạnh đó, Úc còn xem xét mua nhiều loại tên lửa bội siêu thanh, đồng thời tăng cường năng lực tác chiến không gian, chiến tranh mạng...

Hay trong ngân sách quốc phòng năm 2021, Nhật Bản cũng tăng cường năng lực tấn công ngăn chặn khi đầu tư cho các loại tên lửa chống hạm tầm xa, tên lửa tấn công cả mục tiêu mặt đất lẫn tàu chiến nổi có tầm hoạt động khoảng 500 km. 

Tháng 2 vừa qua, Ấn Độ thông báo ngân sách quốc phòng năm 2021 là 49,6 tỉ USD, tăng 3,4% so với năm 2020. Nhật Bản cũng vừa phê duyệt ngân sách quốc phòng năm nay là 51,6 tỉ USD, tăng 0,5% so với năm trước. Đài Loan cũng tăng ngân sách dành cho lực lượng phòng vệ thêm 4%, đạt mức 13,2 tỉ USD trong năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.