Rủi ro bị lừa bởi 'chân dung' được tạo bằng AI

Thanh Lương
Thanh Lương
30/11/2020 08:33 GMT+7

Một vài công ty công nghệ còn có dịch vụ giúp biến những chân dung người giả thành những đoạn video mà trong đó họ có thể nói chuyện, biểu cảm tự nhiên như người thật.

Theo chuyên trang Petapixel, công nghệ tạo ra chân dung giả tưởng đã được nhóm nghiên cứu thuộc Tập đoàn NVIDIA (trụ sở tại bang California, Mỹ) phát triển từ năm 2014, nhờ vào mạng sáng tạo đối nghịch (Generative Adversarial Network) - GAN.
Nhưng hiện nay, không khó để tìm ra một địa chỉ bán chân dung mặt giả tưởng trên internet. Người mua có thể mua một bức chân dung “độc nhất vô nhị” với mức giá chỉ từ 3 USD. Với mức giá cao hơn, họ còn có thể tự lựa chọn sắc tộc, độ tuổi, giới tính, biểu cảm... cho các khuôn mặt.
Thậm chí, một vài công ty công nghệ còn có dịch vụ giúp biến những chân dung người giả thành những đoạn video mà trong đó họ có thể nói chuyện, biểu cảm tự nhiên như người thật. Trong khi một vài trang web khác còn cung cấp miễn phí những bức ảnh này.
Trong một bài viết đăng tải mới đây, báo The New York Times (Mỹ) nhận định với tốc độ phát triển hiện tại của AI, ở tương lai không xa, chúng ta không chỉ có thể phải đối mặt với chân dung của một người bạn giả mà thậm chí là toàn bộ những hình ảnh kèm theo cuộc sống của họ. Từ những bữa tiệc, cho đến con cái, thú cưng... đều có thể là sản phẩm của AI.
Hồi cuối tháng 8, một ứng dụng chuyên giả lập video miễn phí của Trung Quốc (viết tắt là Z) được phát hành lần đầu tiên và nhanh chóng lập kỷ lục về lượt tải trên cả hai kho ứng dụng của Android và iPhone tại nước này, đồng thời tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới, theo Đài CNBC.
Nếu như trước đây, một số ứng dụng cho phép người dùng hoán đổi gương mặt - tức lấy ảnh gương mặt của mình và đổi với gương mặt của người khác, thì Z đã tiến một bước xa hơn nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này có thể hoán đổi gương mặt người dùng với diễn viên điện ảnh nổi tiếng trong một đoạn phim bom tấn.
Tuy nhiên, sau đó Z nhanh chóng vấp phải chỉ trích bởi sự lỏng lẻo trong bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng. CNBC cũng nhận định đây là một dạng “deepfake” - một thuật ngữ chỉ các video bị thao túng, được tạo ra bởi AI với hình ảnh và âm thanh có vẻ thực tế nhưng nội dung thì hoàn toàn giả mạo - tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.