Rộ thuyết âm mưu chính phủ Mỹ tạo ra thảm họa bão tuyết ở Texas

23/02/2021 14:18 GMT+7

Bão tuyết lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bang Texas dẫn đến thuyết âm mưu tràn lan trên mạng xã hội cho rằng thảm họa thiên nhiên là do chính phủ Mỹ tạo ra tuyết.

"Có ai thử chơi với tuyết do chính phủ tạo ra chưa?" là một tiêu đề về thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng xã hội, bao gồm ứng dụng TikTok.
Trong đoạn video trên TikTok, một người phụ nữ làm thí nghiệm đốt viên tuyết để chứng minh đó là “tuyết nhân tạo”. Người phụ nữ cầm viên tuyết hơ trên lửa.
Người phụ nữ đồng thời cáo buộc chính phủ Mỹ và tỉ phú Bill Gates “cố lừa chúng ta để tin rằng đây là tuyết thật”.
Trong thí nghiệm, viên tuyết không tan chảy và có vệt màu đen khiến người dùng TikTok tự hỏi liệu đó là tuyết thật hay nhân tạo.
Một số người dùng mạng xã hội còn cho rằng chính phủ Mỹ “can thiệp” vào vụ bão tuyết nghiêm trọng và thậm chí có “âm mưu thâm độc” nhằm gây thiệt hại cho Texas.
Hồi tuần rồi, trận bão tuyết đã mang đến thời tiết băng giá cho phần lớn miền trung nước Mỹ , trong đó Texas là một trong số những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa, với hàng triệu người dân bị mất điện và hệ thống cơ sở hạ tầng cấp nước hư hại nặng nề.

Tuyết phủ trắng xóa con đường ở thành phố Pflugerville, bang Texas

Reuters

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đưa ra lý giải mang tính khoa học về tuyết "không tan một cách bí ẩn”.
Cụ thể, một lý giải được đưa ra là “hiện tượng" tuyết không tan trên ngọn lửa nhỏ là do nước bị hấp thụ vào phần tuyết còn lại nên ban đầu có nhiệt độ không cao thì viên tuyết sẽ không tan chảy. Vệt đen xuất hiện trên viên tuyết là do chất hữu cơ hydrocacbon (hiđrôcacbon) chưa cháy hết từ chất hữu cơ butan (chất đốt thường dùng trong bật lửa) tạo ra muội than bám lên viên tuyết, khiến nó trông giống như chuyển sang màu đen.
Đây không phải là lần đầu tiên thuyết âm mưu tuyết "giả" xuất hiện trên internet. Thuyết âm mưu này từng xuất hiện sau trận bão tuyết nghiêm trọng ở thành phố Atlanta (bang Georgia) hồi năm 2014.
Khi đó, chuyên gia Phil Plait, chuyên viết cho tạp chí Slate, đã phải tự ghi hình một video về thí nghiệm đốt viên tuyết để lật tẩy thuyết âm mưu.
"Nhiều người làm video cho thấy viên tuyết không nhỏ giọt nên trông giống như không thực sự tan chảy vì họ cố tình làm thí nghiệm kiểu nửa vời, không hoàn tất thí nghiệm để cho viên tuyết thực sự tan chảy!”, ông Plait lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.