Răn đe Bắc Kinh bằng thế trận tàu sân bay Indo-Pacific

26/04/2020 09:00 GMT+7

Giữa lúc Trung Quốc có nhiều động thái quân sự gây quan ngại cho an ninh biển của khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, thì tứ giác an ninh Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ đang có mạng lưới tàu sân bay khá hùng mạnh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Hiện nay, lực lượng tàu sân bay của Mỹ vẫn được xem là hùng mạnh nhất ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc chạy đua

Washington đang vận hành 11 tàu sân bay, gồm 10 chiếc lớp Nimitz và 1 chiếc lớp Gerald Ford, chưa kể chiếc thứ 2 thuộc lớp Gerald Ford sắp được biên chế. Mỹ thường xuyên duy trì 1 - 2 tàu sân bay hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương và một vài chiếc khác ở khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây nổi lên như một thế lực tàu sân bay khi chính thức biên chế 2 tàu là Liêu Ninh và Sơn Đông thường xuyên hiện diện ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Ngày 25.4, trả lời Thanh Niên về thực lực tàu sân bay Trung Quốc, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông chưa có khả năng thực chiến cao, bởi máy bay chiến đấu J-15 được sử dụng kèm theo có trọng lượng quá lớn nhưng tàu sân bay lại không có bộ phóng máy bay”.
Như Thanh Niên từng phân tích, dù tàu sân bay Mỹ lớn và dài hơn tàu sân bay Trung Quốc, nhưng J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn, trong khi máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ chỉ là 23 tấn. Vì thế, Trung Quốc vẫn phải tìm cách trang bị loại máy bay khác hoặc nâng cấp loại hiện tại để phù hợp hơn.
So sánh tàu sân bay Trung Quốc với tàu sân bay Mỹ, TS Nagao nhận định: “Dù hải quân Trung Quốc phát triển rất nhanh trong thời gian qua, nhưng tàu sân bay của nước này vẫn chưa thể so với tàu sân bay Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cần bổ sung thêm tàu ngầm cho nhóm tác chiến tàu sân bay thì mới nâng cao năng lực thực chiến. Kèm theo đó, còn phải có khả năng phối hợp với máy bay chiến đấu và tên lửa từ đất liền. Điều này đòi hỏi hệ thống tổ chức tác chiến tinh vi”.

Mô hình tàu sân bay hiện đại

Cùng ngày 25.4, trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) cho biết: “Hiện nay, Mỹ đang có ý định cắt giảm số lượng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động. Thậm chí, Washington có thể dần không duy trì song song 1 tàu sân bay thường trực trong khu vực Thái Bình Dương và 1 tàu sân bay neo tại Nhật Bản. Có lẽ Mỹ hướng đến tập trung tàu sân bay ở tại nước này và chỉ có mặt ở các vùng căng thẳng khi cần thiết”.
Tuy nhiên, ông Holmes phân tích thêm: “Có những tín hiệu khác quanh việc củng cố sức mạnh tác chiến kiểu tàu sân bay ở vùng biển trong khu vực. Cụ thể như Mỹ đang đẩy mạnh việc vận hành tàu đổ bộ tấn công được trang bị chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B”. Nằm trong dòng F-35, phiên bản F-35B thuộc loại cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) phù hợp để biên chế cho các tàu đổ bộ tấn công có độ choán nước lớn.
“Mỗi tàu như thế có thể mang theo khoảng 13 chiến đấu cơ F-35B, tức ít hơn nhiều so với con số 60 - 70 chiếc trên các tàu sân bay truyền thống của Mỹ, và chỉ bằng khoảng một nửa so với số lượng chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh hay Sơn Đông của Trung Quốc. Nhưng số lượng chiến đấu cơ như thế vẫn duy trì sức mạnh đáng kể.
Thêm vào đó, các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Nhật và Úc đang có xu hướng phát triển tàu đổ bộ tấn công mang theo chiến đấu cơ F-35B tương tự mô hình Mỹ đang thực hiện”, TS James Holmes đánh giá và khẳng định: “Đây chính là xu hướng của hải quân hiện đại trong tương lai, quan trọng là linh hoạt, tinh gọn nhưng vẫn kết hợp hiệu quả hỏa lực để đạt sức mạnh tác chiến cần thiết”.
Thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hải quân và không quân đang tạo ra một thay đổi về tàu sân bay. Đến nay, Washington đều đã triển khai F-35B vận hành cùng tàu tấn công đổ bộ thuộc lớp America và Wasp để gần như đã nâng cấp lực lượng hải quân có đến hơn 20 tàu có thể tác chiến như tàu sân bay. Thời gian qua, tàu USS America thuộc lớp America liên tục hoạt động ở tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Tàu USS America còn có nhiều hoạt động nhằm răn đe tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.

Các thế lực tàu sân bay

Không chỉ Mỹ, Nhật Bản cũng đang nâng cấp hạm đội để triển khai tàu sân bay. JS Kaga và JS Izumo thuộc lớp Izumo - loại chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2. Ban đầu, tàu lớp Izumo vốn là tàu khu trục mang theo máy bay trực thăng. Từ năm 2018, Tokyo đã xúc tiến kế hoạch nâng cấp chiến hạm lớp Izumo trở thành hàng không mẫu hạm đích thực hoạt động cùng với chiến đấu cơ F-35B. Đến nay, chiếc JS Kaga gần như đã chính thức trở thành tàu sân bay.
Nếu Nhật Bản có tàu sân bay án ngữ phía bắc Thái Bình Dương thì tại phía nam Thái Bình Dương, Úc cũng đang sở hữu sức mạnh tương tự với 2 chiến hạm thuộc lớp Canberra là HMAS Canberra và HMAS Adelaide. Lớp tàu này có chiều dài khoảng 230 m, độ choán nước toàn tải xấp xỉ 27.000 tấn nên hoàn toàn có thể mang theo và triển khai tác chiến với F-35B. Úc cũng là đối tác của Mỹ trong chương trình F-35 và đang trong quá trình tiếp nhận loại tiêm kích tối tân này.
Thời gian qua, Mỹ khởi động chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở, với nền móng an ninh dựa trên mạng lưới “tứ giác an ninh” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Trong nhóm này, Ấn Độ nhiều năm qua đã sở hữu tàu sân bay tương đương với tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, bằng việc sử dụng chiến đấu cơ Mig-29 có tổng trọng lượng cất cánh chỉ khoảng 18 tấn, tàu sân bay Ấn Độ đang có khả năng tác chiến khá tốt.
Đánh giá về vai trò của tàu sân bay, TS Satoru Nagao cho rằng: “Tàu sân bay có vai trò biểu tượng cao. Xét về khả năng tác chiến ở góc độ tàu chiến nổi, tàu sân bay không thể so sánh như với tàu ngầm hay tàu khu trục, tàu tuần dương về tính thiết thực và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ở thời bình thì tàu sân bay mang giá trị thông điệp răn đe rất cao”.
Phân tích thêm, ông Nagao cho rằng: “Từ những thực tế lịch sử cũng như hiện tại, tàu sân bay rất hữu ích trong việc ngăn cản các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tàu sân bay Mỹ với quy mô lớn hơn hẳn, có thể đóng vai trò tiên phong và được hỗ trợ bởi các nước còn lại trong “tứ giác an ninh” là Ấn Độ, Nhật Bản và Úc”.
Máy bay tuần tra Mỹ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông
Ngày 25.4, qua mạng xã hội Twitter, chuyên trang theo dõi hoạt động của máy bay quân sự Aircraft Spots thông báo máy bay chống tàu ngầm, tuần tra biển P-3C thuộc hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Ngày 21.4, Aircraft Spots cũng thông tin máy bay trinh sát EP-3E của hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông.
Ba ngày trước đó, tức là ngày 18.4, hải quân Mỹ cũng đã điều một chiếc P-3C hoạt động ở vùng biển này. Ngoài ra, không quân Mỹ đã điều máy bay trinh sát RC-135U đến hoạt động ở Biển Đông trong ngày 15 và 17.4, theo Aircraft Spots.
Mỹ liên tục điều máy bay tuần tra biển và máy bay trinh sát hoạt động ở Biển Đông sau khi tờ Hoàn Cầu thời báo hôm 13.4 dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Trung Quốc cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của nước này đã lần lượt vượt qua eo biển Miyako, eo Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.