Rác thải nhựa châu Á bóp nghẹt đại dương thế giới

06/08/2018 08:00 GMT+7

Theo đánh giá của giới chuyên gia, châu Á đang chật vật với bài toán xử lý, tái chế khi rác thải nhựa từ khu vực này khiến các đại dương trên thế giới “ngạt thở”.

Báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Bảo tồn đại dương (OC, trụ sở tại Mỹ) xác định 80% rác thải nhựa xả xuống các đại dương trên thế giới xuất phát từ châu Á, theo tờ Nikkei Asian Review. OC chỉ ra rằng Indonesia, Trung Quốc, Philippines và Thái Lan xả rác thải nhựa xuống biển nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Một báo cáo của tạp chí Science trước đó đưa thêm Sri Lanka và Malaysia vào danh sách. Các nghiên cứu ước tính 8 - 13 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ vào môi trường biển hằng năm. Với số lượng này, rác thải nhựa gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển, nếu quy ra tiền có thể lên đến 13 tỉ USD hằng năm, theo báo cáo của Cơ quan Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc.
[VIDEO] Nghiện đồ nhựa, Đông Nam Á đang gây ô nhiễm biển 

Riêng ở Đông Nam Á, khu vực có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới dẫn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa gia tăng theo. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vượt quá khả năng xử lý, tái chế tại những quốc gia ASEAN, dẫn đến tình trạng rác thải nhựa tràn lan dưới biển, theo tờ Asia Times. Giám đốc Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học - tiến sĩ Theresa Mundita S.Lim, cho biết một số quốc gia Đông Nam Á được xác định là những nước gây ô nhiễm đại dương nghiêm trọng nhất thế giới. Bà Lim cho hay ngành du lịch ở ASEAN bùng nổ, nhưng do thiếu biện pháp quản lý dẫn đến việc nhiều bãi biển ngập tràn rác thải như túi nhựa, vỏ chai và ống hút. Bên cạnh đó, một lượng rác thải nhựa từ các con sông cũng đổ ra biển.
[VIDEO] Chất thải nhựa 'xâm lăng' đại dương: ống hút nhựa có phải thủ phạm chính?
Chẳng hạn, Ngapali của Myanmar từng được trang TripAdvisor bình chọn là bãi biển tốt nhất châu Á hồi năm 2016, đang bị đe dọa bởi rác thải nhựa. “Túi nhựa cùng đủ loại rác thải xuống biển trôi ngược lại bờ biển. Tôi e rằng Ngapali sẽ sớm bị hủy diệt vì rác thải nhựa”, ông Ohnmar Khin, chủ một resort tại bãi biển này, chia sẻ. Bên cạnh đó, thói quen người tiêu dùng cũng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Một người Singapore dùng 13 túi nhựa và cả đảo quốc sư tử tiêu thụ 2,2 triệu ống hút nhựa mỗi ngày. Còn người Thái dùng trung bình 8 túi nhựa mỗi ngày.
Trước tình trạng đáng báo động đó, ASEAN hồi đầu tháng 7 ra tuyên bố chung sẽ nỗ lực chống lại ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tiến sĩ Lim đánh giá ASEAN vẫn còn thiếu chiến dịch chính thức và cơ chế ràng buộc, nên các quốc gia thành viên phải tự có biện pháp quyết liệt xử lý tình trạng rác thải nhựa tràn lan trên biển. Theo OC, một số nước ASEAN đã nỗ lực áp dụng biện pháp riêng, nhưng vẫn chưa hiệu quả. Chẳng hạn, Brunei lên kế hoạch cấm túi nhựa vào năm 2019 và Philippines tiến hành chiến dịch “Hãy tự mang túi riêng” khi đi mua sắm ở siêu thị. Malaysia cũng tuyên bố áp dụng biện pháp nhằm hạn chế những hộp đựng thức ăn bằng nhựa, xúc tiến tái chế rác thải gia đình. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục dùng túi nhựa.
[VIDEO] Yêu Việt Nam, vợ chồng Tây lập nhóm không dùng ống hút nhựa
Báo cáo của Vụ Nguồn lợi biển và Ven bờ Thái Lan (DMCR) cho thấy nước này có nhiều chương trình nâng cao ý thức người dân về rác thải nhựa. Chính phủ phải đóng cửa bãi biển tại vịnh Maya (tỉnh Phuket) 4 tháng kể từ tháng 6 để dọn dẹp rác, theo tờ Bangkok Post. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng tăng cường đầu tư vào hệ thống tái chế rác, nhưng cơ sở hạ tầng hiện hữu được đánh giá chỉ đủ để xử lý 1/3 trong tổng số 27 triệu tấn rác hằng năm, theo DMCR.
Xử lý và tái chế là vấn đề then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, tuy nhiên nỗ lực đó chưa bắt kịp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và thói quen của người tiêu dùng. Tổ chức Ellen MacArthur Foundation (EMF, Anh) ước tính chỉ có 14% rác thải nhựa được tái chế trên phạm vi toàn thế giới. EMF ước tính trong 3 thập niên tới, các đại dương sẽ có nhiều rác thải hơn cá, theo tờ The Guardian. Các chuyên gia EMF cảnh báo tất cả loài chim biển sẽ phải ăn rác vào năm 2050 và khoảng 600 loài sinh vật biển bị đe dọa. Ngoài ra, theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, 640.000 tấn lưới cá làm bằng ni lông bị lạc mất hoặc thải bỏ trên biển và 80% trong số này xuất phát từ Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.