Quyết liệt tìm lối ra cho vấn đề Biển Đông

05/06/2017 10:27 GMT+7

Tổng thư ký ASEAN ngày 4.6 thúc giục Trung Quốc cùng hiệp hội nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong lúc các cơ chế hiện có chưa hiệu quả.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề an ninh khu vực” sáng 4.6 của diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La (SLD), Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh: “Căng thẳng ở Biển Đông xuất phát từ những tranh chấp lãnh thổ đã và đang gây hiệu ứng tiêu cực đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.


Mỹ cam kết cùng ASEAN bảo vệ Biển Đông
Sáng 4.6, bên lề Đối thoại Shangri-La, trưởng đoàn quốc phòng các nước ASEAN đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Trao đổi với Thanh Niên, Trưởng đoàn cán bộ quốc phòng VN, trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, cho biết Bộ trưởng Mattis đã đưa ra một số vấn đề hợp tác cụ thể. Chưa cho biết chi tiết vì “vẫn còn trên bàn”, nhưng trung tướng Nguyễn Đức Hải cho biết Bộ trưởng Mattis đã xác quyết 2 vấn đề: Mỹ cam kết bảo vệ các đồng minh và có trách nhiệm cùng ASEAN trong vấn đề bảo vệ an ninh ở Biển Đông.


Tranh chấp ở Biển Đông xảy ra giữa Trung Quốc và 4 quốc gia ASEAN gồm VN, Philippines, Malaysia và Brunei. Indonesia, một thành viên khác của ASEAN, tuy không chính thức tham gia tranh chấp, nhưng vùng biển Natuna giàu tài nguyên của nước này, nằm ở cực nam Biển Đông, cũng bị bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc chồng lên.
Khẩn cấp về COC
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký bản Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) như một cam kết tránh các hành động đơn phương gây căng thẳng hay cố tình thay đổi hiện trạng của các cấu trúc trong vùng biển. Cam kết đó nhằm tạo ra môi trường hòa bình, thân thiện và hữu nghị để duy trì quyền lợi của mọi quốc gia, không chỉ trong khu vực mà cả bên ngoài, về tự do lưu thông trên không, trên biển và tự do thương mại.
“Tuy nhiên, sau 15 năm ký kết, việc thực thi DOC một cách đầy đủ và hiệu quả còn quá xa vời”, Tổng thư ký ASEAN nói thẳng. Ông chỉ ra những hành động đơn phương đi ngược tinh thần DOC, đặc biệt là việc quân sự hóa các cấu trúc chiếm đóng trái phép đang diễn ra cấp tập với quy mô đáng báo động, “làm xói mòn lòng tin giữa các bên và gây ra nguy cơ xung đột giữa các cường quốc với hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều năm qua, “ASEAN đã chủ động kéo Trung Quốc vào tiến trình thảo luận và hoàn tất được bộ khung Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hồi tháng trước”, Tổng thư ký Lê Lương Minh nói.
Ông cũng cho biết cốt lõi của bộ khung COC là tạo ra một khuôn khổ dựa trên luật pháp cũng như bộ thông lệ quy chuẩn về hành vi của các bên, các biện pháp tạo dựng lòng tin, tạo môi trường thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo đảm an toàn, tự do lưu thông hàng hải, hàng không trong vùng biển, ngăn chặn và quản lý các sự cố, cũng như bảo đảm việc cam kết tuân thủ Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và Hiệp ước Hữu nghị thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) hiện có 35 thành viên. Dự thảo khung này sẽ được các ngoại trưởng ASEAN thông qua trong cuộc họp vào tháng 8 ở Philippines. Tuy nhiên, đây mới là một bước tiến nhỏ trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. “ASEAN và Trung Quốc cần khẩn cấp khởi động đàm phán về các thành tố chi tiết với thành ý sớm đạt được bộ COC có giá trị ràng buộc pháp lý có khả năng không chỉ ngăn chặn mà còn quản lý được các sự cố”, Tổng thư ký ASEAN thúc giục.
Bên cạnh đó, dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Singapore vẫn là một thành viên ASEAN tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp tránh bất ổn tại vùng biển mà đảo quốc này được hưởng lợi lớn từ các hoạt động hàng hải. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen trong bài phát biểu về những nguy cơ an ninh trong khu vực và toàn cầu sáng 4.6 đã đề xuất 3 giải pháp có thể triển khai nhanh gồm: tổ chức diễn tập chung trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác; mở rộng phạm vi áp dụng bộ Quy tắc tránh các va chạm không chủ ý trên biển (CUES) và thực hành CUES thường xuyên qua các cuộc diễn tập; thiết lập bản hướng dẫn về ứng xử trong các va chạm giữa các máy bay quân sự trong ASEAN. Vị Bộ trưởng Quốc phòng của quốc gia sẽ giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2018 cũng cho biết Singapore sẽ thúc đẩy các đề xuất trên trong vai trò Điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc mà nước này đang nắm giữ từ năm 2015 đến giữa 2018.
Tuần tra chung
Cũng trong phiên họp “Tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề an ninh khu vực”, một đại biểu Trung Quốc tiết lộ Philippines đã ngỏ lời mời nước này tham gia hoạt động tuần tra chung giữa 3 nước Philippines, Indonesia và Malaysia trong vùng biển Sulu tiếp giáp Biển Đông vốn xảy ra nhiều vụ cướp biển, bắt cóc do nhóm vũ trang Abu Sayyaf gây ra trong vài năm qua. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Ricardo A David xác nhận thông tin này và cho biết Bắc Kinh đã nhận lời. Tướng David trong bài phát biểu cũng nói: “Gần đây, chúng ta thấy có sự cải thiện trong quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Trung Quốc cũng như sự mở đầu hợp tác quốc phòng Philippines - Nga”.
Một số đại biểu tỏ ra lo ngại một khi cuộc tuần tra mở rộng ra Biển Đông, lại có thêm sự tham gia Trung Quốc thì bản chất có thể khác. Đáp lại, Thứ trưởng David trấn an rằng cuộc tuần tra này chỉ diễn ra trong phạm vi biển Sulu và biển Celebes, không phải trong Biển Đông và Philippines luôn hành động theo luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu thì cho biết vấn đề mời thêm nước khác tham gia tuần tra, đề ra khuôn khổ hợp tác “và nhiều điều nữa” sẽ được bàn trong cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng 3 nước vào tháng 10.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề trên, một quan chức quốc phòng ASEAN không muốn nêu tên nói việc một quốc gia hay một nhóm quốc gia trong ASEAN hợp tác với bên ngoài phải nằm trong quỹ đạo của khối, nguyên tắc đồng thuận giữa các thành viên và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác là không thể bỏ qua.
Trung Quốc cân nhắc tập trận chung với ASEAN
Trung Quốc và ASEAN đang xem xét khả năng tập trận chung trên Biển Đông vào năm tới, một quan chức thuộc Trung nghiên cứu hợp tác an ninh quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tại Đối thoại Shangri-La hôm qua. Bắc Kinh từng đề xuất ý tưởng này tại hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ASEAN ở Lào vào năm 2016 nhằm “tăng cường xây dựng lòng tin lẫn nhau”. Tờ The Straits Times dẫn lời quan chức nói trên cho hay nước này cũng sẵn sàng xem xét khả năng thiết lập đường dây liên lạc quốc phòng Trung Quốc - ASEAN. “Chúng tôi tin rằng tham vấn, đối thoại và hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và tránh xung đột trên biển”, ông nói. Bên cạnh đó, bất chấp những diễn biến đáng quan ngại trên thực địa, ông này lại cho rằng tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông “ổn định, không có nguy cơ xảy ra xung đột”.
Phúc Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.