Nghịch lý trên đảo quốc

23/10/2013 03:20 GMT+7

Chính phủ Anh vừa quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Trong tình cảnh giá điện tăng liên tục và trở thành chủ đề thời sự hàng đầu trên đảo quốc này, quyết định tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân là cách Thủ tướng Anh David Cameron vừa trấn an dư luận vừa không để phe đối lập sử dụng làm con bài chính trị hàng đầu nhằm vào cuộc vận động tranh cử tới. Chỉ có điều quyết định này vừa ẩn chứa vừa phơi bày không ít nghịch lý hiếm thấy trên đảo quốc.

Nó là bước ngoặt trong chính sách năng lượng của chính phủ Anh. Trong khi ở các nơi khác dần từ bỏ nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo an toàn cho người dân và môi trường sinh thái, đặc biệt từ sau thảm họa ở Fukushima (Nhật Bản) người Anh lại đi ngược lại. Lần đầu tiên sau 18 năm, nước Anh lại xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, nước Anh đi đầu ở Tây u về xây dựng và sử dụng nhà máy điện hạt nhân. Vậy mà bây giờ, nước Anh không thể tự mình xây dựng nổi nhà máy điện hạt nhân mà phải nhờ cậy các công ty của Pháp và Trung Quốc. Sự tham gia của Trung Quốc không thể không khiến các thành viên EU khác nghi ngại bởi như thế chẳng khác gì mở cửa thị trường năng lượng hạt nhân nói riêng và thị trường năng lượng nói chung của EU cho Trung Quốc. Quyết định nói trên của chính phủ Anh đồng nghĩa với việc từ bỏ ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo bấy lâu nay. Khi nhậm chức năm 2010, ông Cameron tán dương chính phủ của mình là "nội các xanh nhất từ trước tới nay". Bây giờ, không biết nên dùng màu sắc gì để thể hiện chính phủ của ông Cameron?

Thảo Nguyên

>> Chuyện về tân Thủ tướng Anh David Cameron
>> Phân nửa nhà máy điện hạt nhân Mỹ xài uranium của Nga
>> Trung Quốc muốn cùng Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân “nổi”
>> Động đất không ảnh hưởng nhà máy điện hạt nhân Iran

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.