Lên tiếng trước, lên đường sau

29/04/2007 00:32 GMT+7

Cuộc bầu cử tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ đang biến dạng trở thành một thách thức lớn đối với sự gắn kết nội bộ xã hội và sự đồng thuận về định hướng chính sách cho tương lai của đất nước này. Sau vòng bầu cử đầu tiên với thất bại của ứng cử viên của đảng AKP cầm quyền, không chỉ có phe đối lập đòi hủy bỏ cuộc bầu cử mà cả giới quân sự cũng đã lên tiếng cảnh báo đảng cầm quyền và EU lên tiếng cảnh báo giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là lần đầu tiên sau thời gian khá dài giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ mới lại can dự vào triều chính. Trong lịch sử đất nước này, giới quân sự đã 3 lần làm đảo chính - năm 1960, 1971 và 1980 - để bảo vệ một nguyên tắc cơ bản của thể chế chính trị Thổ Nhĩ Kỳ là tách bạch nhà nước với tôn giáo, và lần nào cũng vậy, lên tiếng cảnh báo trước, lên đường hành quân sau. Cũng chính vì thế mà sự cảnh báo mới rồi của giới quân sự cho thấy đảng AKP và Thủ tướng Erdogan đang mất dần sự hậu thuẫn thầm lặng hoặc dung chấp của giới quân sự. Sự can dự này của giới quân sự không hoàn toàn có nghĩa là giới quân sự hậu thuẫn cho phe đối lập. Cũng giống như sự cảnh báo của EU đối với giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn là sự hậu thuẫn của EU dành cho đảng AKP và Thủ tướng Erdogan, chẳng qua chỉ vì EU thà chấp nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ một chính phủ với quan điểm bảo thủ  như Thủ tướng Erdogan và đảng AKP hiện tại còn hơn là một cuộc đảo chính quân sự.

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống này sẽ cho thấy phe cánh chính trị nào thắng thế, lực lượng nào có ảnh hưởng áp đảo ở Thổ Nhĩ Kỳ và chiều hướng diễn biến chính trị đối nội sẽ được bẻ ghi về đâu với những tác động khó có thể lường trước được hết đối với chính đất nước này và khu vực, đối với quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU, trong vấn đề đảo Síp và Iraq. Thủ tướng Erdogan đã đi nước cờ cao khi không ra tranh cử, nhưng bước đi này đã sớm bị các lực lượng khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là giới quân sự, đọc vị.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.