Không tiền tệ thì chính trị

06/11/2011 00:09 GMT+7

Trong những ngày đầu tiên của tháng 11, Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) không chỉ có thay đổi nhân sự ở cấp cao nhất mà còn gây bất ngờ với động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Ông Mario Draghi vừa thay ông Jean-Claude Trichet trên cương vị Thống đốc ECB và phiên họp đầu tiên của Hội đồng giám đốc do ông chủ trì đã ra quyết định giảm lãi suất cơ bản của đồng euro từ 1,5% xuống còn 1,25%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ hơn 2 năm qua, ECB mới lại hạ lãi suất cơ bản. Quyết định này gây bất ngờ lớn vì đang có lo ngại sâu sắc về chiều hướng gia tăng lạm phát còn ông Draghi lại tuyên bố ECB phải quyết định như vậy vì khủng hoảng tài chính đang cản trở tăng trưởng kinh tế.

Nhiệm vụ chính của ECB là duy trì ổn định giá trị của đồng euro, có nghĩa là chống lạm phát. Vậy mà ngân hàng này lại quyết định theo hướng chấp nhận lạm phát có thể tăng thêm. Có thể thấy ngay ECB đang dùng chính sách tiền tệ để làm chính trị hơn là thực hiện sứ mệnh riêng. EU vẫn đang khốn đốn, Hy Lạp vẫn chưa được cứu và Ý đang có nguy cơ lâm vào khủng hoảng. G20 thì hội họp cấp cao ở Cannes còn Quỹ Tiền tệ quốc tế hăm hở sẵn sàng đóng vai trò lính cứu hỏa.

Trong bối cảnh đó, ECB phải xung trận nếu không muốn mất vai trò. Ngân hàng này không lo lạm phát khi hạ lãi suất vì lãi suất vốn đã thấp trong khi lại được ca ngợi là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động tham gia chống khủng hoảng. Không có tác dụng về tiền tệ thì vẫn đắc lợi về chính trị.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.