Chuyện chính trị từ tranh biếm họa

09/01/2010 23:17 GMT+7

Một bức tranh biếm họa có thể làm quan hệ chính trị giữa các quốc gia thêm trắc trở. Chuyện ấy vốn không hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế. Nổi tiếng nhất thời gian qua có lẽ là lần báo chí phương Tây đăng tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Bây giờ, bức tranh biếm họa lại gây chuyện tương tự giữa Ấn Độ và Úc.

Mối quan hệ giữa hai nước này đã trở nên căng thẳng và xấu đi từ năm ngoái sau khi xảy ra hàng loạt cuộc tấn công ở Úc nhằm vào sinh viên Ấn Độ du học và đặc biệt là sau vụ một sinh viên Ấn Độ bị sát hại. Phía Ấn Độ coi đó là hành động phân biệt chủng tộc và cáo buộc phía Úc không làm tất cả những gì có thể để bảo vệ an toàn cho sinh viên Ấn Độ. Đương nhiên là Úc bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc ấy. Ngày 5.1 vừa qua, tờ nhật báo của Ấn Độ Delhi Mail Today đã đăng bức tranh vẽ hình ảnh một viên cảnh sát bang Victoria của Úc khoác bộ y phục trùm kín đầu màu trắng của tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan của Mỹ. Phía Úc rất bực bội và đã lên án mạnh mẽ việc đăng bức tranh này.

Bức biếm họa đánh dấu nấc thang mới trong mối bất hòa giữa hai nước liên quan đến việc các du học sinh người Ấn Độ bị tấn công và đe dọa ở Úc. Đó là cách tạo dư luận ở Ấn Độ phê phán Úc nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực đòi chính quyền New Delhi phải có thái độ kiên quyết hơn đối với nước kia. Thông điệp gián tiếp từ đó là cảnh sát ở Úc dung túng cho phân biệt chủng tộc.

Chuyện này có thể sẽ rất tai hại đối với Úc vì đào tạo là một trong những ngành kinh tế chủ lực của họ. Việc đào tạo du học sinh nước ngoài đóng góp hằng năm 13 tỉ USD cho nền kinh tế Úc mà du học sinh Ấn Độ chiếm khoảng 19% trong số đó với khoảng 70.000 sinh viên, học sinh (năm 2009). Cũng vì chuyện này mà Ủy ban Dự báo du lịch Úc tính rằng số lượng sinh viên, học sinh người Ấn Độ sang du học năm 2010 sẽ giảm khoảng 46% và không phải không có tác động mạnh tới các cộng đồng sinh viên, học sinh khác. Trong bối cảnh ấy, chuyện bức tranh nói trên làm cho bài toán chính trị thêm nan giải đối với chính phủ cả hai nước.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.