Bắc cầu và khởi đầu

10/03/2014 00:31 GMT+7

Chuyến đi Iran của đặc phái viên EU về đối ngoại và an ninh Catherine Ashton là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng nổi bật nhất kể từ gần một thập niên qua trong quan hệ giữa hai bên.

Năm 2008, người tiền nhiệm của bà Ashton đã tới Iran nhưng chuyến thăm đó bị quên lãng nhanh chóng bởi bối cảnh tình hình chính trị nội bộ ở hai bên và bế tắc trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân Iran lúc đó. Nay đã khác xưa nhiều trong cả hai khía cạnh ấy nên có thể nói bà Ashton có nhiều thuận lợi để đạt kết quả với chuyến đi này.

Đến nay, vấn đề hạt nhân Iran vẫn chưa có được giải pháp cuối cùng, nhưng lộ trình đi tới giải pháp ấy đã được xác định, các đối tác liên quan đều đã chứng tỏ thiện chí và từng bước gây dựng lòng tin, quan hệ giữa Iran và Mỹ cũng đã bớt căng thẳng và thù địch.

Do vậy, việc EU và Iran xúc tiến bình thường hóa và cải thiện quan hệ không có gì phi logic và chuyến đi của bà Ashton là cần thiết. Càng sớm bắc cầu quan hệ và càng nhanh chóng khởi đầu mới mối quan hệ thì càng có lợi cho cả hai, đặc biệt đối với EU.

Thật ra, mấu chốt quyết định mọi giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran là quan hệ giữa Iran và Mỹ cũng như giữa Mỹ và Nga. EU muốn gây dựng và đề cao vai trò trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran chứ không để bị lấn lướt như khi Mỹ và Nga xử lý vấn đề vũ khí hóa học ở Syria. EU lại không thể không dự liệu và chuẩn bị cho việc tận dụng những cơ hội làm ăn mới ở Iran và khu vực sau khi vấn đề hạt nhân Iran được giải quyết.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.