Quan hệ Nga - Hà Lan phụ thuộc kết quả điều tra vụ máy bay MH17

13/10/2015 12:54 GMT+7

(TNO) Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ công bố những kết quả điều tra cuối cùng về thảm họa chuyến bay MH17 trong ngày hôm nay 13.10, theo AP.

(TNO) Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ công bố những kết quả điều tra cuối cùng về thảm họa chuyến bay MH17 trong ngày hôm nay 13.10, theo AP.

Một người lính thuộc lực lượng  ly khai ở miền đông Ukraine đứng cạnh một mảnh vỡ của MH17 - Ảnh: ReutersMột người lính thuộc lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine đứng cạnh một mảnh vỡ của MH17 - Ảnh: Reuters

Truyền thông quốc tế đều đang xem Nga là tâm điểm trong kết quả được Ủy ban An toàn Hà Lan công bố. Nếu cơ quan phụ trách điều tra vụ MH17 chỉ ra được nguyên nhân và những người đứng sau cái chết của 298 hành khách trên chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn tại miền đông Ukraine năm 2014, nó sẽ dẫn tới nhiều diễn biến khó lường trong quan hệ ngoại giao và pháp luật quốc tế.

Chờ đợi gì từ “phán quyết cuối cùng”?

Hơn một năm trôi qua, rất có thể vụ MH17 sẽ sáng tỏ, hoặc chí ít đưa ra những hướng giải quyết mới cho thảm họa này. Các kết quả được cho là “phán quyết cuối cùng” sẽ trả lời cho 4 câu hỏi, theo AP ngày 12.10.

Một trong những vấn đề được chờ đợi nhất của lần công bố kết quả điều tra này là việc có phải tên lửa Buk đã được dùng để bắn rơi chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 hay không - Ảnh: BloombergMột trong những vấn đề được chờ đợi nhất của lần công bố kết quả điều tra này là việc có phải tên lửa Buk đã được dùng để bắn rơi chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 hay không - Ảnh: Bloomberg

Đầu tiên, Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ công bố những chi tiết cụ thể về nguyên nhân và diễn biến của thảm họa. Suy đoán ban đầu về việc một loại tên lửa phòng không do Nga sản xuất đã bắn hạ chiếc Boeing 777 kể trên rất có thể sẽ được làm rõ.

Mặc dù vậy, đây chưa phải lúc chỉ ra thủ phạm. Ủy ban An toàn Hà Lan nhiều lần nhấn mạnh họ không có nhiệm vụ quy trách nhiệm cho bất cứ bên nào ngoài việc nhiều khả năng sẽ xác nhận thông tin tên lửa Buk chính là công cụ sử dụng cho việc bắn hạ máy bay, theo AP.

Thứ hai, gia đình nạn nhân và giới quan sát sẽ nghe thêm những chi tiết từ một cuộc điều tra riêng biệt của các công tố viên Hà Lan. Họ sẽ cung cấp thêm bằng chứng về việc có đúng tên lửa Buk đã được sử dụng hay không. Máy bay rơi ở khu vực có chiến sự ở Ukraine, nên không loại trừ khả năng các mảnh vỡ nghi của tên lửa Buk chỉ là kết quả từ những cuộc xung đột giữa quân nổi dậy và chính phủ. Các cuộc điều tra hình sự vì thế có khả năng tiếp tục trong năm 2016 trước lúc đưa ra kết quả sau cùng.

Thứ ba, nếu các bên xác định được nghi phạm, họ sẽ phải đưa nghi phạm ra tòa. Đây là trường hợp khá nhạy cảm vì phía Nga trước đó đã bác bỏ đề nghị thành lập một tòa án quốc tế để xử vụ này.

Thứ tư, bất kể những khó khăn, nhập nhằng từ phía những người có trách nhiệm, gia đình nạn nhân vẫn muốn được nghe một phán quyết trắng đen rõ ràng. Những cuộc điều tra kéo dài đến nay càng lúc càng khiến thân nhân hành khách chuyến bay MH17 mất kiên nhẫn, dẫn tới áp lực cho chính phủ các nước Úc, Hà Lan và Malaysia.

Hồi hộp cho quan hệ Nga - Hà Lan

Trong khi Nga gánh chịu áp lực về cáo buộc trách nhiệm cho thảm họa MH17, kết quả điều tra từ phía Hà Lan sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ hai nước, The Moscow Times cho biết hôm 12.10.

“MH17 là cơn đau kéo dài trong xã hội của chúng tôi. Hầu hết mọi người tại Hà Lan đều biết đến nạn nhân hoặc quen một người liên quan tới nạn nhân của thảm họa này”, Đại sứ Hà Lan tại Nga, ông Ron van Dartel nói.

Cuộc điều tra này sẽ ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ giữa Nga và Hà Lan - Ảnh: ReutersCuộc điều tra này sẽ ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ giữa Nga và Hà Lan - Ảnh: Reuters

Có tới 194 người Hà Lan thiệt mạng trong tổng số 298 hành khách trong chuyến bay từ thủ đô Amsterdam tới Kuala Lumpur kể trên. Chính vì thế, nước này đã dẫn đầu các cuộc điều tra xung quanh thảm họa này.

Mặt khác, mối quan hệ Hà Lan - Nga đã căng thẳng song song với diễn biến tương tự giữa Nga và châu Âu sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea và tình hình bất ổn tại miền đông Ukraine.

“Trong một thời gian dài, Hà Lan đã không quyết liệt thực hiện lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, vụ MH17 khiến việc “kinh doanh như thường lệ” khó có thể tiếp tục”, The Moscow Times dẫn lời Tony van der Togt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Clingendael (Hà Lan) cho biết.

Cái khó nhất trong tình huống này là việc Nga có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, gây trở ngại cho việc thành lập một tòa án quốc tế. Nếu Nga tiếp tục đứng ngoài dư luận, xung đột với các nước phương Tây và những bên liên quan sẽ thêm sâu sắc, có thể dẫn tới những lệnh trừng phạt kinh tế mới gây bất lợi cho đôi bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.