Quan hệ Mỹ - Taliban sẽ ra sao?

30/08/2021 06:15 GMT+7

Sau 20 năm, Mỹ giờ đây đang phải miễn cưỡng hợp tác Taliban để duy trì an ninh và đảm bảo những lợi ích về sau.

Năm 2001, chính quyền Taliban sụp đổ và tháo chạy khỏi Kabul sau khi bị Mỹ tấn công với cáo buộc dung dưỡng cho al-Qaeda thực hiện vụ tấn công khủng bố ngày 11.9 tại Mỹ. Nằm ở hai phía đối lập trong cuộc chiến tại Afghanistan suốt 20 năm, lực lượng Mỹ và Taliban giờ đây có cái bắt tay miễn cưỡng để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh tại Kabul.

Khó xử

Theo tờ The Wall Street Journal, Mỹ và Taliban đã thỏa thuận để Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan với hạn chót 31.8, Taliban chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự quanh sân bay Hamid Karzai và ngăn chặn các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện các cuộc tấn công như hôm 26.8.
Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ Frank McKenzie nói sau vụ tấn công rằng Taliban đang đóng vai trò bảo vệ an ninh vòng ngoài cho lực lượng Mỹ và hai bên chia sẻ “mục đích chung”.

Thành viên Taliban canh gác bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở Kabul

AFP

Ngoài việc đảm bảo an ninh, Taliban còn lập các chốt kiểm soát trên các tuyến đường đến sân bay với sự phối hợp của Mỹ, điều khó có thể tưởng tượng được nếu tính đến việc lực lượng Mỹ trong những năm qua truy lùng các lãnh đạo Taliban, giam cầm các thành viên Taliban trong các nhà tù.
Việc bắt tay với Taliban để đảm bảo an ninh cho chiến dịch rút quân được cho là không nằm trong tính toán ban đầu của chính quyền Mỹ, bởi qua những bài học quá khứ, họ đánh giá rằng chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ít ra trụ thêm được vài tháng đến một năm sau khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan đã khiến Mỹ bất ngờ và thừa nhận đã tính toán sai. Việc Taliban nhanh chóng kiểm soát Kabul từ giữa tháng 8 đẩy chính quyền Mỹ vào thế khó xử, khi lực lượng tại Kabul còn quá ít và phải phụ thuộc vào Taliban để đảm bảo an ninh.

Lực lượng Taliban giàu cỡ nào?

Lợi ích chung

Đối với Mỹ, có nhiều lý do để nước này tiếp tục duy trì đối thoại với Taliban ngay cả sau khi quân Mỹ rút hoàn toàn khỏi Kabul.
Ưu tiên là các hoạt động chống các tổ chức cực đoan như IS. Vụ đánh bom tự sát của nhóm chân rết ISIS-K của IS tại sân bay ở Kabul hôm 26.8 làm 13 binh sĩ Mỹ và hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng, trong đó có cả thành viên Taliban, cho thấy nguy cơ từ các tổ chức cực đoan trỗi dậy tại Afghanistan sau khi Mỹ rời đi.
Tổng thống Joe Biden sau vụ tấn công nói rằng lợi ích của Taliban là không để cho ISIS-K gia tăng ảnh hưởng. Theo nhà lãnh đạo, việc hợp tác với Taliban không phải là sự tin cậy mà là vì hai bên có chung lợi ích.

Binh sĩ Mỹ và người Afghanistan bên ngoài sân bay ở Kabul

Reuters

Kế đến là việc tiếp tục sơ tán những công dân phương Tây và nhiều người Afghanistan đối diện sự trả thù từ Afghanistan, những người chưa kịp rời khỏi Afghanistan.
Bà Laurel Miller, Giám đốc chương trình châu Á tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (Bỉ), người từng là quyền đặc phái viên Mỹ về Afghanistan và Pakistan, nhận xét: “Có rất nhiều người từng làm việc và giúp đỡ chính phủ Mỹ vẫn chưa thể rời đi khi cuộc không vận này hoàn tất. Để đưa họ ra đòi hỏi sự hợp tác qua lại dựa trên tình hình thực tế với Taliban”.
Ngược lại, Taliban cũng muốn tìm kiếm sự công nhận của quốc tế sau khi lập chính quyền mới, tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu, nguồn viện trợ nước ngoài. Sự hợp tác với Mỹ sẽ tạo ảnh hưởng lớn cho những mục tiêu này.

Rào cản

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản lớn khiến cho sự hợp tác của Mỹ và Taliban khó có thể tiến xa. Đối với Mỹ, mức độ của sự hợp tác tùy thuộc vào sự đồng thuận của người dân và giới nghị sĩ trong nước cũng như cam kết của Taliban trong cách đối xử với phụ nữ, việc không để Afghanistan trở thành bàn đạp để các nhóm khủng bố tấn công phương Tây.
Đối với Taliban, việc hợp tác với Mỹ để chống IS có thể khiến các thành viên bất mãn và gia nhập các nhóm vũ trang cực đoan. “Tình hình thật khó khăn cho Taliban. Họ sẽ nói gì với các thành viên về những người đã mất mạng vì cuộc chiến đuổi người Mỹ ra khỏi Afghanistan?”, nhà nghiên cứu Kabir Taneja tại Tổ chức Nghiên cứu người quan sát tại Ấn Độ nói với Bloomberg.

Taliban hứa chính phủ Afghanistan sẽ có cả người ngoài lực lượng

Đến nay, cả Taliban và Mỹ đều đưa ra những tuyên bố thận trọng và không quá lạc quan về sự hợp tác. Ông Habibi Samangani, thành viên chính quyền Taliban tại Kabul mới đây tuyên bố: “Chỉ vì chúng tôi có thỏa thuận không tấn công người Mỹ cho đến khi họ hoàn tất việc rút quân không đồng nghĩa rằng chúng tôi hợp tác với họ hay cung cấp an ninh cho họ. Trong sân bay, họ ở một bên còn chúng tôi ở bên còn lại”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki hôm 27.8 tuyên bố Mỹ và các đối tác quốc tế của Mỹ không gấp rút trong việc công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan, theo AFP. Bà Psaki nói việc công nhận Talian phụ thuộc vào những cam kết của lực lượng này. Mặt khác, bà cho biết chính quyền Mỹ kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Taliban sau khi quân Mỹ rút hết vào ngày 31.8 để tạo điều kiện sơ tán thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.