Quân đội Mỹ tính toán gì để khắc chế năng lực quân sự Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
11/08/2020 13:05 GMT+7

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ đang xem xét việc triển khai quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó mọi mối đe dọa từ Bắc Kinh nhưng quân đội Trung Quốc có đủ khả năng đối đầu.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến gần đây do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ James McConville tuyên bố ông đang ưu tiên tạo ra hỏa lực chính xác tầm xa và xem xét những lựa chọn triển khai các hệ thống vũ khí như thế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sự thay đổi nói trên sẽ cho phép quân đội Mỹ vượt qua các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga, theo tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông McConville. Ông cho biết thêm quân đội Mỹ cũng sẽ lập các lực lượng đặc nhiệm đa miền ở khu vực.
Ngoài ra, Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ cho hay sẽ chuyển phần lớn các lữ đoàn của mình sang hỗ trợ đẩy mạnh khả năng tác chiến của lính bộ binh ở khu vực, theo báo Stars and Stripes.

[VIDEO] 2 tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông, phô diễn sức mạnh trước Trung Quốc

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình ở Hồng Kông nhận định sự thay đổi cách bố trí lực lượng như trên nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump nhằm đối phó Trung Quốc.
“Mỹ muốn tăng cường khả năng tấn công bằng cách phối hợp các hệ thống hỏa lực thuộc hải, lục, không quân và lực lượng không gian và kết hợp chúng với các binh sĩ tạo thành hệ thống tác chiến chung hùng mạnh”, ông Tống bình luận.
“Mục tiêu là ngăn chặn tất cả các kênh ở Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) và phối hợp với các đồng minh khu vực để ngăn chặn các hạm đội của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất do Washington thiết lập [trong thời Chiến tranh lạnh]”, ông Tống bình luận tiếp. Chuỗi đảo này trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines. Lâu nay, Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ dùng “chuỗi đảo thứ nhất” để kiềm chế Trung Quốc, theo SCMP.

Đội tên lửa Stinger thuộc lục quân Mỹ xác định một mục tiêu là máy bay không ngưới lái trong một cuộc tập trận ở tây Thái Bình Dương

Lục quân Mỹ

Trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng trước, chỉ huy Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ David Berger đã thảo luận với  phía Nhật Bản về khả năng triển khai các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đến đảo Okinawa. Những đơn vị này sẽ được trang bị tên lửa phòng không và chống hạm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Nhật nhằm ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương một cách dễ dàng, theo tướng Berger.
Ngoài ra, theo Stars and Stripes, quân đội Mỹ cũng đang tiến hành các cuộc diễn tập liên quan việc triển khai 12 chiến đấu cơ tàng hình F-35B trên tàu đổ bộ tấn công USS America, đang đóng tại thành phố Sasebo (Nhật Bản).
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Bắc Kinh bình luận việc triển khai F-35B là nhằm ứng phó tình trạng PLA mở rộng khả năng tác chiến của lực lượng không hải quân. Ông Lý còn cho rằng Mỹ lo sợ các hạm đội của nước này bị quân đội Trung Quốc đẩy ra khỏi vùng tây Thái Bình Dương. Ông Lý khẳng định PLA có đủ hỏa lực để đối đầu với các hạm đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển.

[VIDEO] Máy bay tuần thám, trinh sát Mỹ áp sát vùng biển Trung Quốc

Ông Lý lập luận các hệ thống phóng rốc két đa nòng Type PCL191 của Trung Quốc với tầm bắn lên tới 400 km và những hệ thống phóng rốc két khác là lựa chọn ít tốn kém lại hiệu quả nhất cho việc đối phó các cuộc xung đột trực tiếp. Cũng theo ông Lý, PLA đang phát triển một hệ thống radar mới “có thể phát hiện chiến đấu cơ tàng hình F-35 và những vũ khí tác chiến điện tử tiên tiến”.
Chuyên gia Tống thì cho rằng khó khăn lớn nhất Mỹ có thể đối mặt trong chiến dịch kiềm chế Trung Quốc là duy trì sự hợp tác với các đồng minh. “Biện pháp đối phó tốt nhất của Bắc Kinh là phá vỡ liên minh đó”, ông Tống nhận định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.