Quân đội Mỹ nói gì về tên lửa tối tân phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
25/01/2021 15:53 GMT+7

Trung tâm tình báo không gian và vũ trụ quốc gia thuộc không quân Mỹ (NASIC) cho rằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tối tân JL-3 của Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn hơn 10.000 km.

Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo Mối đe dọa tên lửa hành trình và đạn đạo mới nhất của NASIC, được công bố trên website của trung tâm này ngày 11.1. “Trong cuối tháng 11.2018, Trung Quốc đã thử nghiệm JL-3 mới ở biển Bột Hải.. JL-3 có tầm bắn xa hơn JL-2 ”, báo cáo nhận định
JL-3 đã được phóng thử 3 lần, nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận đang phát triển loại tên lửa này. Đây là một trong số tên lửa có thể giúp quân đội Trung Quốc (PLA) đạt tầm tấn công tới lục địa Mỹ, theo tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo của NASIC.
Cũng theo báo cáo, số đầu đạn gắn cho tên lửa Trung Quốc có khả năng đe dọa Mỹ sẽ tăng trong vòng 5 năm tới, lên tới 100, tăng từ 16 đầu đạn của tên lửa phóng từ trên bộ mạnh nhất hiện nay của Trung Quốc là DF-41.
Tương tự, trong nghiên cứu công bố ngày 19.1, Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (FAS) nhận định JL-3 có bước tiến lớn so với phiên bản trước là JL-2. “Thông tin lớn nhất trong phần về Trung Quốc của báo cáo NASIC là JL-3… có thể mang nhiều đầu đạn và có tầm bắn hơn 10.000 km. Đó là sự gia tăng đáng kể về khả năng so với JL-2”, nghiên cứu FAS viết.
JL-2 có tầm bắn khoảng 7.200 km, được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân Type 094A từ năm 2015. Dự kiến tên lửa JL-3 sẽ được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới Type 096 của Trung Quốc vào năm 2025.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-2 của Trung Quốc

Chụp màn hình SCMP

Dù tầm bắn được nâng lên, từ Biển Đông, tàu ngầm tốt nhất của Trung Quốc vẫn sẽ không có thể phóng JL-3 tới lục địa Mỹ, theo FAS. Để làm được điều đó, tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải phóng JL-3 từ biển Bột Hải, khu vực gần Hàn Quốc và Nhật Bản hơn, nếu không muốn dễ bị phát hiện.
Chuyên gia về an ninh Malcolm Davis thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc cũng cho rằng dù mang lại cho Trung Quốc khả năng chống trả lại cuộc tấn công hạt nhân, nhưng tên lửa dòng JL phải được phóng cách xa bờ biển nước này thì mới có thể triển khai đầu đạn tới bờ đông của Mỹ. Ông Davis còn cho rằng triển khai tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo một cách bất thường như thế mà không bị phát hiện là một thách thức đối Trung Quốc, theo SCMP.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: mối nguy mới từ Trung Quốc dành cho Mỹ

Trong khi đó, chuyên gia an ninh Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ) cho rằng cùng với DF-41, JL-3 cung cấp cho Trung Quốc nhiều phương tiện nhắm tới lục địa Mỹ từ tầm rất xa. “Các khả năng về vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân của quân đội Trung Quốc làm gia tăng rủi ro và tổn thất của bất kỳ cuộc chiến của Mỹ với Trung Quốc. Mục tiêu là thuyết phục Mỹ rằng cuộc chiến như thế không đáng để xảy ra rủi ro, cho phép Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với láng giềng như Đài Loan mà không phải đấu với Mỹ”, ông Heath nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.