Quân cảng Trung Quốc ở nước ngoài

22/08/2016 09:18 GMT+7

Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc xây cơ sở hải quân ở Djibouti cho thấy nước này muốn trở thành thế lực toàn cầu, đồng thời tăng cường bảo vệ lợi ích ở nước ngoài.

Hồi tháng 2, giới chức Trung Quốc xác nhận đã bắt đầu xây dựng cơ sở hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, một quốc gia châu Phi nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược quan trọng. Đến cuối tuần trước, tờ The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin một số hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy nhiều công trình đã mọc lên ở khu vực.
Mối lo của Mỹ
Quân cảng này được xây trên một khu đất rộng hơn 36 ha, nằm sát một công trình cảng đa dụng cũng do Trung Quốc xây ở khu Doraleh thuộc phía nam Djibouti. Giới chuyên gia dự đoán một khi được xây xong vào năm tới, tiền đồn của Trung Quốc ở Djibouti sẽ là nơi chứa vũ khí, cơ sở bảo trì tàu chiến, trực thăng và có thể có một nhóm lính thủy đánh bộ hoặc lực lượng đặc nhiệm đóng trú, theo WSJ. Ngoại trưởng Djibouti Mahmoud Ali Youssouf cho hay tiền đồn mới chứa không quá 2.000 người, sẽ có một bến tàu, không có đường băng, nhưng có thể có bãi đáp trực thăng.
Tuy phương Tây khuyến khích Trung Quốc tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình và nhiều chiến dịch đa quốc gia khác, nhưng sự hiện diện quân sự lâu dài của nước này ở Djibouti đặt ra nguy cơ đối đầu mới.
WSJ chỉ ra rằng Mỹ đặc biệt lo lắng trước nguy cơ Trung Quốc dò xét các công nghệ quốc phòng bí mật của họ ở Djibouti. Căn cứ Camp Lemonnier của Mỹ ở Djibouti có khoảng 4.000 binh sĩ và được triển khai máy bay không người lái (UAV) cùng lực lượng đặc nhiệm sử dụng cho các chiến dịch chống những nhóm cực đoan và khủng bố trong khu vực. Mỹ đã tỏ ý khó chịu và không muốn máy bay quân sự Trung Quốc lảng vảng gần các cơ sở của mình.
“Chúng tôi hoàn toàn trông cậy vào chính phủ Djibouti trong việc đảm bảo những đối thủ tiềm tàng được tách biệt một cách phù hợp”, thiếu tướng Kurt Sonntag, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Djibouti, nói.
Một quan chức Lầu Năm Góc không bình luận về hoạt động do thám của Trung Quốc mà chỉ nói rằng Washington và Bắc Kinh có những cuộc đối thoại đều đặn về châu Phi và quan hệ đối tác giữa Mỹ với Djibouti vẫn vững chắc. Năm 2014, Washington đã gia hạn thuê Camp Lemonnier thêm 20 năm, với tiền thuê là 70 triệu USD/năm.
Quân cảng Trung Quốc ở nước ngoài 2
Chuỗi cảng biển thường xuyên được tàu Trung Quốc sử dụng Ảnh: WSJ
Trước quan ngại trên, Ngoại trưởng Youssouf cam kết “giữ cân bằng giữa các đối tác hiện diện ở đây”. Trung Quốc cũng xua tan lo ngại về khả năng phát sinh căng thẳng. Bộ Quốc phòng nước này khẳng định việc xây dựng cơ sở hải quân ở Djibouti “nhằm thực hiện tốt hơn các sứ mệnh và nghĩa vụ quốc tế, cũng như để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”. Tuy nhiên, về lâu dài, phương Tây lo ngại rằng Djibouti, như nhiều nước khác ở khu vực, sẽ ưu tiên cho những lợi ích của Trung Quốc vì Djibouti ngày càng phụ thuộc vào viện trợ, hỗ trợ và đầu tư của Bắc Kinh.
Chuỗi cảng chiến lược
Một khi cơ sở hải quân ở Djibouti được xây xong, Trung Quốc sẽ chính thức gia nhập nhóm 8 quốc gia hiện có căn cứ quân sự ở nước ngoài, gồm Anh, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý. Trong nhóm này, Mỹ là quốc gia có nhiều căn cứ ở nước ngoài nhất, tại 42 quốc gia. Anh, Nga và Pháp cũng đều có căn cứ ở hơn 10 nước và lãnh thổ hải ngoại, theo WSJ.
Với vị trí giao nhau giữa biển Đỏ và vịnh Aden, căn cứ mới của Trung Quốc sẽ đặt một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới vào tầm ngắm cũng như hỗ trợ các chiến dịch của hải quân ở Ấn Độ Dương. Nhiều nhà quan sát còn xem cơ sở này là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai”, ám chỉ hàng loạt cơ sở và hải cảng mà Trung Quốc xây dựng hoặc thuê mướn từ Biển Đông qua tới châu Phi, với mục đích bao vây Ấn Độ và giành quyền thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo chuyên san The Diplomat.
Hải quân Trung Quốc trước đây có ý định tận dụng các cảng thương mại do các công ty nước này xây dựng hoặc vận hành ở những quốc gia như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan, theo WSJ. Tuy nhiên, cảng thương mại là nơi cung cấp dịch vụ giá cao nhưng lại bị hạn chế đối với những chiến dịch tác chiến đòi hỏi cơ sở chuyên dụng. Do đó, giới phân tích ngoại giao cho rằng chiến lược hiện nay của Trung Quốc là xây cơ sở quân sự nhỏ hoặc lưỡng dụng, tập trung ở châu Phi, Trung Đông và có binh sĩ đóng trú. Giới chức Trung Quốc cũng đã bác bỏ kế hoạch xây dựng những căn cứ lớn như Mỹ, mô tả tiền đồn ở Djibouti chỉ là “cơ sở hậu cần”. Hiện nay, Bắc Kinh được cho là đang tiếp tục đàm phán với các nước khác để lập thêm nhiều tiền đồn ở nước ngoài, nơi Trung Quốc có các lợi ích.
Lầu Năm Góc mới đây cũng dự đoán Trung Quốc sẽ thiết lập thêm nhiều tiền đồn ở nước ngoài trong thập niên tới. Những vị trí có thể là cảng Salalah của Oman, nơi tàu hải quân Trung Quốc thường tới nghỉ ngơi và nhận tiếp tế, đảo quốc Seychelles và cảng Karachi của Pakistan, theo WSJ dẫn lời giới chuyên gia quốc phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.