Phòng thí nghiệm ở căn cứ Detrick của Mỹ có gì mà Trung Quốc muốn điều tra?

24/07/2021 17:01 GMT+7

Viện Nghiên cứu về Bệnh Truyền nhiễm ở căn cứ Detrick (bang Maryland, Mỹ) đang trở thành cái tên được giới chức và báo đài Trung Quốc nhắc đến với nghi ngờ đây có thể là nơi khởi nguồn của dịch Covid-19 .

Từ đầu dịch Covid-19, Viện Virus học Vũ Hán (WIV) trở thành cái tên quen thuộc trong các bài báo phương Tây khi đề cập đến khởi nguồn của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đối với hàng triệu người dân Trung Quốc, cái tên Viện Nghiên cứu về Bệnh Truyền nhiễm ở căn cứ quân sự Detrick đang bị nghi ngờ là nơi bắt đầu của dịch bệnh.

Phòng thí nghiệm ở Detrick

Khi bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019, đa số khoa học gia thiên về giả thuyết lây từ động vật sang người, giống như trường hợp SARS vào năm 2003.

Trung Quốc vì sao đặt ra nghi ngờ bệnh Covid-19 có nguồn gốc từ Mỹ?

Tuy nhiên, giờ đây ngày càng có thêm nhiều nhà khoa học và các chính khách yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19, bao gồm khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trung Quốc cho rằng cần phải bổ sung phòng thí nghiệm ở căn cứ Detrick vào cuộc điều tra mới.

Viện Virus học Vũ Hán vẫn là tâm điểm trong giả thuyết về nguồn gốc dịch Covid-19

AFP

Căn cứ Detrick từng là nơi triển khai chương trình vũ khí sinh học của Mỹ từ năm 1943 cho đến khi chương trình bị ngừng lại vào năm 1969. Giờ đây nơi này đặt trụ sở Viện Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm của Quân Y Mỹ (USAMRIID), cơ quan chuyên về phòng thủ sinh học của nước này.
Tháng 8.2019, phòng thí nghiệm cấp BSL-4 (tức an ninh ở mức cao nhất) ở đây đã bị đóng cửa tạm thời vì vi phạm các quy định về xử lý chất thải vật liệu nguy hiểm. Đến tháng 4.2020, phòng thí nghiệm tiếp tục được mở cửa hoạt động trở lại. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhất cử nhất động của phòng thí nghiệm trên lập tức lọt vào tầm quan sát của giới truyền thông Trung Quốc.
Hashtag tên tiếng Trung của căn cứ Detrick nhận được hơn 270 triệu lượt xem trên Weibo, về chủ đề vũ khí sinh học của Mỹ và chương trình nghiên cứu virus chết chóc của nước này.
Hoàn Cầu thời báo, Nhân Dân nhật báo, China Daily đã đăng tải hơn 100 bài viết về căn cứ Detrick, theo kết quả phân tích của tờ South China Morning Post.

Trung Quốc nói kế hoạch nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 của WHO bị chính trị hóa

Đổ lỗi lẫn nhau

Lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập đến căn cứ Detrick là vào tháng 3.2020, sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump tuyên bố dịch Covid-19 xuất phát từ một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Ngày 30.3, WHO công bố kết quả điều tra cho thấy khả năng virus xổng chuồng từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là cực thấp. Một ngày sau, 14 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về không tiếp cận được dữ liệu ban đầu của phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Cuộc chiến đổ lỗi tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây.
“Căn bệnh bí ẩn EVALI [tổn thương hổi do hút thuốc lá điện tử] đã nổ ra ở bang Wisconsin vào tháng 7.2019 với các triệu chứng gần như tương đồng với dịch Covid-19. Nơi xảy ra những trường hợp bệnh này cách căn cứ Detrick khoảng 1 giờ lái xe”, theo một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập trên Twitter hôm 22.6.
Tên căn cứ Detrick được nhắc ít nhất 33 lần trong các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với 27 lần kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ từ tháng 1, theo South China Morning Post.
Gần đây, WHO cho hay vẫn chưa thể loại bỏ khả năng virus gây bệnh Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm và vấn đề này tiếp tục nóng trở lại.

Thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi: Mỹ tìm ra nguyên nhân

WHO trong tuần đề xuất kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2 tại Trung Quốc, trong đó kêu gọi được tiếp cận nhiều hơn với các dữ liệu thô vào giai đoạn dịch mới bùng phát, cũng như kiểm tra các phòng thí nghiệm và chợ tại Vũ Hán.
Trước đề xuất trên, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 21.7 đưa tin gần 5 triệu người Trung Quốc ký vào đơn thỉnh nguyện trực tuyến, yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra về vai trò của viện nghiên cứu Mỹ trong dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.