Thảm họa vỡ đập ở Lào: Phép thiêng nào cho những người mất tích

28/07/2018 07:03 GMT+7

Trong dòng lũ xiết, những thanh niên khỏe mạnh bám víu vào ngọn cây, cột điện hay bất cứ thứ gì để thoát chết, còn phụ nữ, trẻ em hầu hết chỉ nhờ vào vận may.

 
Năm nào cũng vậy, cứ tầm tháng 6 trở đi người dân huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, nam Lào, luôn chuẩn bị tâm lý sống chung với lũ. “Nghe tiếng nước về, bà con thường tìm chỗ cao rồi chạy. Lũ dâng tới đâu, người chạy lên cao hơn lũ. Thiệt hại chỉ vài thứ hoa màu. Sau vài ngày, lũ rút, mọi người trở lại sinh hoạt, buôn bán bình thường”, anh Trần Văn Biền (47 tuổi, quê Kim Sơn, Ninh Bình) chia sẻ. Vậy mà năm nay, khi nghe tiếng lũ về, nhiều người chạy lên đồi cao mà vẫn không thoát nổi. Hôm đó, hơn 70 người thuộc bản Haxiêngchăn vội vàng chạy lên đồi, ngỡ đã an toàn nhưng không, chỉ ùm một tiếng rồi tắt lịm, không còn tiếng người la hét, không gian chỉ còn lại tiếng nước gầm réo. Trong cơn lũ dữ do vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, đàn ông bám vào ngọn cây, cột điện thoát chết. Lúc này phụ nữ, trẻ em, người già chỉ còn dựa vào vận may.
[VIDEO] Vỡ đập nước ở Lào: Xúc động giải cứu em bé khỏi cơn lũ
Cột mẹ vào con
Giống như nhiều gia đình khác, cả nhà anh Biền cố tìm kiếm một con đường sống. “Nước dâng ngày càng nhanh. Chồng tôi nghĩ lũ như mọi năm nên bảo tôi và đứa con trai 5 tuổi lên chỗ chủ nhà tá túc, còn anh ở lại giữ nhà. Nhưng vừa đi được vài trăm mét thì chồng tôi gọi với rằng lũ lớn nên phải mang theo quần áo để ở vài ngày. Trên đường quay lại thì lũ ập về, nước dâng tới bụng rồi tới ngực. Phải nhờ 2 - 3 người đàn ông kéo tôi mới lên được nhà”, chị Phạm Thị Thảo (47 tuổi, vợ anh Biền) nhớ lại.
Chỉ vài phút sau, nước dâng qua lầu một rồi nhấn chìm lầu hai, nước lên nóc nhà. “Tôi lấy dây, buộc vợ và con trai vào cột nhà. Hy vọng nếu bị cuốn trôi thì vợ con vẫn có nơi bám. Hơn 8 tiếng trôi qua, tới 6 giờ 30 sáng hôm sau thuyền cứu hộ tới. Thuyền nhỏ, chỉ đủ chỗ cho 2 mẹ con nên tôi và 2 người đàn ông khác phải ở lại. Tôi cởi dây buộc vào cột nhà nhưng lại buộc chặt 2 mẹ con với nhau. Tôi nhìn vợ con đi nhưng trong lòng bất an vô cùng”, anh Biền tâm sự. Suốt mấy tiếng mênh mông trên dòng lũ dữ, cuối cùng chị Thảo và mọi người nhìn thấy cột điện, đoán hướng rồi vào được một khu rừng cao. Chị cõng con đi bộ hơn 2 km rồi có ca nô đón người bị nạn vào đất liền. Nửa ngày sau, gia đình chị được đoàn tụ. Vợ chồng anh Biền vẫn cho mình là người may mắn bởi có biết bao gia đình đang ly tán.
[VIDEO] Người Việt ở Lào rùng mình kể lại chuyện sống sót sau lũ
Tương tự, trường hợp 3 mẹ con chị Huổi Mí (26 tuổi) thoát chết như một phép màu. Trong nhà không có đàn ông nên khi nghe lũ về, chị vớ ngay chiếc xuồng độc mộc rồi 3 mẹ con leo lên. Hơn 8 tiếng vật lộn lên xuống trong lũ, gần sáng mọi người thấy lực lượng cứu hộ đưa mẹ con chị về trung tâm huyện. Một cánh tay của chị đẫm máu và chi chít vết thương. Vẫn trong trạng thái hoảng loạn nhưng chị kể rành rọt: “Nếu theo dòng chảy xiết thì có lẽ mẹ con tôi đã chết. Nhưng may, nước đẩy chiếc thuyền ngược vào chỗ xoáy, thuyền đưa lên đưa xuống nhưng không chìm”.
Phép thiêng nào cho những người mất tích1
Mẹ con chị Phạm Thị Thảo Ảnh: Lam Ngọc
[VIDEO] Vỡ đập thủy điện ở Lào: Lũ rút, người dân bắt đầu về nhà
“Hà bá cướp con trên tay tôi”
Dù nhỏ nhoi, nhiều gia đình vẫn hy vọng người thân trở về, nhưng riêng với vợ chồng chị Nang (26 tuổi, dân bản Mai) thì không còn phần trăm nào nữa. Tối 23.7, chị Nang bắt đầu chuyển dạ. Chồng chị tính đưa đi viện nhưng nước đã ngập tới lưng nhà, chị Nang buộc phải sinh tại nhà. Sau hàng chục cơn gò vật vã, con chị ra đời nhưng chỉ vài phút sau bé đã bị hà bá cướp mất khỏi tay chị. “Nghi lũ lớn, chồng tôi ôm đứa con hơn 4 tuổi chạy xuống nhà. Khi nước vừa tràn vào thì chồng tôi chụp được tay tôi kéo lại. Nhưng đứa con thì bị lũ cuốn đi. Dây rốn của con chưa kịp cắt mà chỉ kịp đứt”, chị Nang kể trong đau đớn.
Cầm cự hơn 14 tiếng trên nóc nhà, vợ chồng chị Nang được lực lượng cứu hộ phát hiện và đưa ra chỗ rừng cao. Ra tới chỗ bà con tập trung, chị Nang chỉ khóc, mặt mày xanh xao. Quần áo đẫm máu. Khi gặp lại người thân, vợ chồng chị khóc òa báo tin con bị lũ cuốn. Họ ôm nhau khóc khiến cảnh tị nạn ngày lũ vốn đã xót xa lại càng trở nên tang thương. Người ta chỉ còn biết cầu mong một phép màu sẽ đến để đưa người thân của họ trở về.
Bộ NN-PTNT hỗ trợ người dân Lào
Ngày 27.7, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đến Đại sứ quán Lào tại Hà Nội trao 300 triệu đồng. Đây là số tiền cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác tại Bộ NN-PTNT hỗ trợ người dân Lào bị ngập lụt sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy. Chia sẻ với Đại sứ Lào tại VN Thongsavanh Phomvihan, ông Hoài cho biết, ngoài số tiền hỗ trợ thể hiện tình cảm tương thân tương ái giữa người dân hai nước, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng sẵn sàng các phương án hỗ trợ Lào xử lý sự cố, cử các đoàn công tác được đào tạo bài bản về đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp của ASEAN (ASEAN-ERAT) tham gia lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu.
Trong ngày, Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Dự trữ nhà nước xuất cấp 150 bộ nhà bạt, loại rộng trên 24 m2/bộ, để chuyển tới các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai vận chuyển nhanh nhất đến các khu vực chịu ảnh hưởng để dựng nhà cho người dân và các lực lượng tham gia cứu nạn.
Cũng trong hôm qua, ông Đào Văn Hiếu (tổng lãnh sự 4 tỉnh nam Lào) và ông Võ Văn Mừng (Chủ tịch Hội Người VN ở Attapeu) đã tới thăm hỏi, động viên và trao một số nhu yếu phẩm các hộ dân người Việt bị ảnh hưởng sau lũ, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu kíp (tương đương 2,7 triệu đồng).
P.Hậu - Lam Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.