Phe biểu tình quyết làm tê liệt Hồng Kông

21/11/2019 08:02 GMT+7

Hàng trăm người tiếp tục biểu tình, hưởng ứng lời kêu gọi “làm tê liệt Hồng Kông ” trong khi Mỹ thêm căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông.

Trong ngày 20.11, một số tuyến đường và các chuyến tàu điện ngầm bị tắc nghẽn do hàng trăm người, bao gồm sinh viên học sinh, tiếp tục tham gia biểu tình phản đối chính quyền đặc khu, theo tờ South China Morning Post.
Cùng ngày 20.11, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cáo buộc cảnh sát Trung Quốc tra tấn, đánh đập cựu nhân viên của Lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông Simon Cheng để khai thác thông tin về phe biểu tình trong lúc người này bị tạm giam ở đại lục trong vòng 15 ngày hồi tháng 8. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đã đảm bảo mọi quyền lợi pháp lý cho ông Cheng, đồng thời khẳng định người này thừa nhận tất cả hành vi sai trái, nhưng không nêu cụ thể.
Tuy nhiên, bạo động không bùng phát và chỉ có đám đông người biểu tình nhỏ lẻ trên đường phố. Một nhóm học sinh bịt mặt dựng rào chắn tại lối vào một trường trung học, đụng độ với người dân địa phương, buộc cảnh sát dùng hơi cay giải tán đám đông.

[VIDEO] Tuyệt vọng, nhiều người biểu tình tự nộp mình tại đại học Hồng Kông

Khoảng 50 - 100 người biểu tình vẫn còn cố thủ bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) vốn bị cảnh sát bao vây kể từ đầu tuần này sau những vụ đụng độ đẫm máu. Họ kiệt sức, nhưng vẫn chuẩn bị bom xăng, cung tên và các loại vũ khí tự chế khác sau khi cảnh sát cảnh báo sẽ dùng đạn thật để tái kiểm soát PolyU, theo Reuters. Một số người khác thì tìm mọi cách trốn thoát để tránh bị cảnh sát bắt, bao gồm bò trong cống thoát nước nhưng bất thành.
Ít nhất 800 người biểu tình, bao gồm 300 người dưới 18 tuổi, rời khỏi PolyU, tự nộp mình cho cảnh sát trong đêm 19.11 sau khi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga kêu gọi họ đầu hàng. Bà Lâm cho biết thêm những người biểu tình trên 18 tuổi sẽ phải đối mặt với cáo buộc gây bạo loạn và trẻ vị thành niên thì không bị bắt giữ. Tính đến nay, cảnh sát đã bắt giữ hơn 5.000 người kể từ khi cuộc biểu tình bùng nổ hồi tháng 6, khiến Hồng Kông trông như bãi chiến trường.

Một số người biểu tình cố chui xuống cống để thoát khỏi Đại học Bách khoa Hồng Kông

Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông. Dự luật yêu cầu tổng thống Mỹ hằng năm phải tiến hành đánh giá mức độ tự chủ của Hồng Kông trước động thái can thiệp của Trung Quốc để làm căn cứ điều chỉnh các ưu đãi thương mại cho đặc khu này. Cũng theo dự luật, Mỹ có thể áp đặt lệnh cấm vận chống lại những quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vi phạm nhân quyền.
Bên cạnh đó, nội dung dự luật ủng hộ các yêu sách của phe biểu tình bao gồm: bầu cử dân chủ, loại trừ các lãnh đạo Hồng Kông do Bắc Kinh bổ nhiệm và điều tra độc lập hành vi tàn bạo của cảnh sát. Hồi tháng rồi, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tương tự. Sắp tới, Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ thảo luận nhằm kết hợp hai văn bản thành một dự luật duy nhất để quốc hội thông qua rồi trình lên Tổng thống Donald Trump ký thành luật.

Một số người biểu tình rời khởi Đại học Bách khoa Hồng Kông

Ảnh: Reuters

Đáp lại, chính quyền đặc khu Hồng Kông bày tỏ “cực kỳ đáng tiếc” và cho rằng dự luật trên là “không cần thiết”, theo AFP. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm qua yêu cầu chính phủ Mỹ ngăn chặn việc thông qua dự luật. Ông Cảnh cho rằng mục đích của dự luật là “ủng hộ những kẻ cực đoan, phần tử bạo động chống lại Bắc Kinh và lợi dụng vấn đề Hồng Kông nhằm gây cản trở sự phát triển của Trung Quốc”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc cũng đã triệu tập quyền Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh William Klein để trao công hàm phản đối và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.