Phát ngôn Biden - Putin không phải chuyện đùa

Ngọc Mai
Ngọc Mai
20/03/2021 07:33 GMT+7

Quan hệ Nga - Mỹ đang bước vào thử thách mới sau những phát ngôn gây sốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Quan hệ Nga - Mỹ vốn không êm đẹp suốt nhiều năm qua nhưng nó trở nên leo thang bắt nguồn từ phát ngôn của cá nhân nhà lãnh đạo đất nước này dành cho người kia lại là chuyện đáng bàn.

Thẳng thắn hay lỡ lời ?

Ông Putin và ông Biden đều giàu kinh nghiệm trên chính trường, nhưng đây là năm đầu tiên ông Biden là tổng thống Mỹ, trong khi ông Putin đã làm lãnh đạo nước Nga hơn 20 năm nay. Không rõ vô tình hay hữu ý mà ông Biden hôm 16.3 đưa ra bình luận gây sốc về người đồng cấp Nga như “kẻ sát nhân” hay “không có tình người”, khi chỉ ít giờ trước đó cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc ông Putin trực tiếp chỉ đạo can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.

Nhà Trắng bảo vệ tuyên bố gây sốc của Tổng thống Biden gọi ông Putin là "kẻ giết người"

Phát ngôn của ông Biden dù thẳng thắn hay lỡ lời cũng chẳng khác nào “châm dầu vào lửa” cho sự giận dữ từ Moscow.
Ông Putin đáp lại bằng câu nói cũng đầy ám chỉ khi cho rằng ông Biden “suy bụng ta ra bụng người”, và muốn nhà lãnh đạo Mỹ tranh luận trực tiếp với mình trên sóng truyền hình. Bạn đồng hành nhiều năm của ông Putin, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh - cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, thì nhận xét những gì ông Biden nói về ông Putin có lẽ do lãnh đạo Mỹ đã già yếu. Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc từ Washington, cũng nói rõ phát ngôn của tổng thống Mỹ là tồi tệ và chưa có tiền lệ, nhưng vẫn mở ra nhiều cánh cửa cho đối thoại. Washington đã khước từ đề nghị nói chuyện từ ông Putin, nhưng Moscow vẫn nói có thể đối thoại bất kỳ khi nào thuận tiện cho ông Biden, theo TASS.

Với Mỹ, Nga vẫn là đối thủ lớn

Có thể thấy, cách phản ứng của Nga có phần “nhẹ dịu”, trong khi Mỹ lại liên tiếp đưa thêm cảnh báo. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định ông Biden chẳng hề hối tiếc về những điều đã nói, thậm chí còn dọa sẽ sớm trừng phạt Moscow bằng nhiều công cụ nếu xác tín được cáo buộc về can thiệp bầu cử. Thật giả, đúng sai ở các cáo buộc này chưa rõ, nhưng có điều chắc chắn rằng Mỹ vẫn luôn xem Nga là đối thủ chính trị đáng gờm không chỉ trên trường quốc tế mà cả trong các vấn đề nội bộ như bầu cử. Báo cáo tình báo mới của Mỹ cho rằng ông Putin đích thân chỉ đạo can thiệp bầu cử cho thấy mức độ đánh giá về ảnh hưởng của Nga đang cao nhất và là chỉ dấu về thời kỳ trắc trở hơn trong quan hệ Nga - Mỹ.
Cũng cần lưu ý, báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá Nga tìm cách làm suy yếu khả năng thắng cử của ông Biden vì cho rằng nếu ông làm tổng thống sẽ tổn hại lợi ích của Moscow. Nga bác bỏ cáo buộc. Dù không biết cáo buộc trên đúng hay sai nhưng rõ ràng việc ông Biden làm lãnh đạo sẽ khiến Nga phải tính lại quan hệ với Mỹ trên cơ sở xem xét hướng tiếp cận của chính quyền mới so với thời kỳ ông Donald Trump làm tổng thống.

Tổng thống Putin đứng sau vụ can thiệp bầu cử Mỹ 2020?

Nga cảnh báo NATO
Đại sứ quán Nga tại Bosnia & Herzegovina hôm qua cảnh báo rằng Moscow sẽ coi việc NATO kết nạp Bosnia & Herzegovina là “hành động thù địch” và sẽ phản ứng. Reuters dẫn thông báo nêu rằng mục đích của NATO là “chống lại Nga” và việc gia nhập liên minh này sẽ buộc Bosnia & Herzegovina chọn phe trong cuộc đối đầu quân sự - chính trị. Bosnia & Herzegovina lâu nay bày tỏ ý muốn gia nhập NATO và EU nhưng những chia rẽ nội bộ đã làm cản trở quá trình này. Lãnh đạo lực lượng người Serb trong Hội đồng tổng thống Bosnia & Herzegovina, ông Milorad Dodik muốn đất nước tiếp tục giữ vị thế trung lập trong khi hai thành viên còn lại gồm lãnh đạo cộng đồng người Bosniak Sefik Dzaferovic và lãnh đạo cộng đồng người Croat Zeljko Komsic chủ trương gia nhập NATO.  
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.