Phát hiện siêu hố đen nuốt chửng cả thiên hà

10/03/2021 20:00 GMT+7

Khi tìm đến nguồn phát vô tuyến xa nhất trong vũ trụ từ trước đến nay, các nhà thiên văn học phát hiện hóa ra đây là một siêu hố đen đang nuốt chửng cả thiên hà.

Cách Trái đất khoảng 13 tỉ năm, vào thời điểm vũ trụ mới 780 triệu năm tuổi, một chuẩn tinh đang tống ra các luồng hạt với tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng.
Đây là nguồn phát vô tuyến xa nhất và cổ nhất từng được ghi nhận trong vũ trụ ngoài kia, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal.
Chuẩn tinh là một số những đối tượng sáng nhất, xa nhất và lớn nhất trong vũ trụ. Chúng “chiếm đóng” lõi của các thiên hà, nơi những siêu hố đen đang ngốn ngấu vật chất với tốc độ vũ bão.
Tác giả báo cáo, nhà thiên văn học Chiara Mazzucchelli (Đài Thiên văn Nam Âu-Chile) cùng đồng nghiệp Eduardo Bañados (Viện Max Planck về Thiên văn học của Đức) cho hay chuẩn tinh có thể phát hiện từ rất xa, cho phép nhân loại có thể nghiên cứu vũ trụ vào thời điểm còn non trẻ.
“Chúng ta đang đề cập đến thời điểm các ngôi sao và thiên hà đầu tiên hình thành”, nữ chuyên gia cho biết.
Các chuyên gia đã sử dụng kính viễn vọng của Đài Thiên văn Nam Âu, Đài Thiên văn Keck ở Hawaii (Mỹ) và kính viễn vọng cực lớn VLT ở Chile, để nghiên cứu P172+18.
Họ phát hiện chuẩn tinh này thuộc dạng hiếm, được nạp năng lượng từ siêu hố đen có khối lượng lớn gấp 300 triệu lần so với mặt trời và đang ngốn vật chất với tốc độ đáng nể.
Nhờ năng lượng từ hố đen, chuẩn tinh nhanh chóng lớn mạnh và nằm trong số các chuẩn tinh trưởng thành nhanh nhất từng được quan sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.