Phát hiện mắt xích đứt đoạn trong quá trình tiến hóa của hố đen

02/04/2020 14:52 GMT+7

Các nhà khoa học vừa hóa giải một “vụ án mạng” bí ẩn ở không gian liên thiên hà, mang đến chứng cứ rõ ràng nhất về sự tồn tại của một dạng hố đen cực hiếm vốn được tìm kiếm lâu nay.

Trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý giáo sư Dacheng Lin của Đại học New Hampshire (Mỹ) và đồng sự vào năm 2006 đã phát hiện một chùm ánh sáng chói lòa của tia X giống như “lời kêu cứu” từ không gian xa xôi của vũ trụ ngoài kia.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhóm của ông không thể lần theo luồng ánh sáng đến nguồn phát để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Sau khi trải qua hàng trăm ngàn đợt quan sát, các nhà nghiên cứu tìm ra “nạn nhân”, một ngôi sao trên đường lãng du đã bị xé toạc khi đi lạc vào khu vực “cấm kỵ” của thiên hà.
Theo sau các đầu mối từ Đài thiên văn X quang Chandra của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và kính viễn vọng XMM-Newton của Cơ quan không gian châu Âu (ESA), nhóm của trợ lý giáo sư Lin tiếp tục dựa vào kính viễn vọng Hubble Space để quan sát hiện trường “vụ án mạng” bí ẩn.
Cuối cùng, họ nhận dạng nguồn phóng tia X là 3XMM J215022.4−055108, một hố đen có khối lượng gấp 50.000 lần của mặt trời, nằm lẩn khuất bên trong một chùm sao ở một thiên hà khác, theo trang nasa.gov hôm 1.4.
Hố đen này có kích thước nhỏ hơn các siêu hố đen với khối lượng gấp hàng triệu thậm chí hàng tỉ lần mặt trời được tìm thấy ở trung tâm của những thiên hà trong vũ trụ.
Các nhà thiên văn xếp 3XMM J215022.4−055108 vào nhóm các hố đen có kích thước trung bình (IMBH)
Phát hiện này hứa hẹn mở ra một cánh cửa mới, cho phép giới thiên văn học tìm thêm những hố đen khác thuộc dạng này.
“IMBH là những vật thể rất khó phát hiện trong vũ trụ”, trợ lý giáo sư Lin cho biết. Vì vậy, việc tìm được 3XMM J215022.4−055108 cho phép đội ngũ chuyên gia của Đại học New Hampshire có thể tiếp tục khám phá cách thức nó hình thành, nơi IMBH thường xuất hiện và chúng sẽ trở thành cái gì trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.