Phát hiện làng cổ Ai Cập trước thời kim tự tháp đến 2.500 năm

04/09/2018 20:00 GMT+7

Các nhà khảo cổ Ai Cập vừa khai quật được một kho báu cực hiếm ở vùng đồng bằng sông Nile: di tích còn sót lại của một ngôi làng cổ, có niên đại vào khoảng năm 5.000 trước Công nguyên.

Đây là một trong những cộng đồng lâu đời nhất từng được tìm thấy tại khu vực, xuất hiện trước thời các kim tự tháp ở Giza đến 2.500 năm, theo Reuters ngày 3.9. Bộ Di tích cổ Ai Cập ước tính tàn tích từ thời đại đồ đá mới, nằm tại khu vực Tell el-Samara cách Cairo khoảng 140 km về hướng bắc, phải vào khoảng 7.000 năm tuổi.
Đội khảo cổ với sự hợp tác của các chuyên gia Pháp và Ai Cập đã khai quật một số hầm chứa vật liệu sinh học, bao gồm xương động vật và các phần còn lại của thực vật, cho phép họ xác định được niên đại của nơi này. Nhóm nghiên cứu còn tìm được công cụ bằng đá và gồm sứ, manh mối cho thấy nơi đây từng xuất hiện một cộng đồng người sinh sống ổn định. Những phát hiện mới mang đến cơ hội tìm hiểu về các cộng đồng thời tiền sử, từng sinh hoạt trên vùng đồng bằng sông Nile nhiều ngàn năm trước khi pharaoh Mene huyền thoại đã thành công trong việc hợp nhất vùng thượng và hạ Ai Cập, sáng lập vương triều đầu tiên của thời kim tự tháp.
Trong một cuộc nghiên cứu khác, các nhà khảo cổ học ngạc nhiên khi biết được tục lệ ướp xác không chỉ dành riêng cho các pharaoh và giới quý tộc thời xưa. Các chuyên gia đã tìm được chứng cứ về việc ướp xác cách đây 5.600 năm tại khu vực Tell el-Samara. Họ sẽ tiếp tục quay lại nơi này trong mùa khai quật kế tiếp với hy vọng có thể thu thập đủ chứng cứ để rút ra kết luận cụ thể hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.