Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia”: Pháp gấp rút nâng cấp tình báo nội địa

03/07/2013 03:25 GMT+7

Những năm gần đây Pháp đang thực hiện nhiều kế hoạch nhằm rút ngắn khoảng cách so với Anh và Mỹ về tình báo điện tử.

>> Tình báo điện tử xứ sương mù
>> Tiết lộ động trời: Tình báo Mỹ từng theo dõi cả ông Obama
>> Tình báo Anh nghe lén cả điện thoại quan chức G20
>> Tình báo Israel: Iran muốn chế tạo 30 quả bom/năm
>> Tin tặc Trung Quốc bị tố đánh cắp thiết kế trụ sở tình báo Úc

Giữa lúc Mỹ bị dân chúng nhiều nước châu Âu chỉ trích vì chương trình do thám mà cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ, cựu Giám đốc CIA Michael Hayden nhắc nhở rằng người dân cựu lục địa, trước khi phản ứng Washington, nên tìm hiểu đang bị chính phủ của mình “đối xử” thế nào. Thực tế, điều ông Hayden nhắc nhở không hề quá lời.

 Trụ sở của DCRI tại Levallois-Perret, ngoại ô Paris - d
Trụ sở của DCRI tại Levallois-Perret, ngoại ô Paris - Ảnh: AFP

Tại Pháp, việc các cơ quan an ninh nước này yêu cầu nhà mạng hợp tác để lấy thông tin của một cá nhân (hóa đơn chi tiết, định vị cuộc gọi, nghe lén điện thoại…) được quy định khá chặt chẽ, chẳng hạn phải có sự đồng ý của đại diện ngành tư pháp. Tuy nhiên, số lượng các vụ theo dõi “hợp pháp” tại nước này đang tăng đáng kể, theo báo mạng Slate. Cụ thể, số lần nghe lén điện thoại đã tăng từ 6.000 lần vào năm 2002 lên 32.000 lần trong năm 2012.

Tuy nhiên, Paris vẫn khẳng định “cần phải cải thiện” nhiều hơn nữa các biện pháp an ninh quốc gia, đặc biệt là về tình báo điện tử. Theo tờ Le Monde, trong nhiệm kỳ từ năm 2007-2012 của Tổng thống Nicolas Sarkozy, các lãnh đạo ngành tình báo Pháp từng đàm phán với những người đồng cấp của Anh, Mỹ để tham gia vào hệ thống theo dõi thông tin điện tử của 2 nước này. Việc đàm phán không thành công vì Washington không chấp nhận để một nước “đồng minh nhưng ít thân cận” được quyền chia sẻ kho dữ liệu khổng lồ của mình.

Tuyển dụng cả tin tặc

Cuối tháng 5, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls nhận định trên tờ Libération: “Internet đã trở thành công cụ để phát tán và tuyển mộ của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, các nhóm cực hữu. Các lực lượng an ninh luôn lưu tâm đến những website có những biểu hiện như thế”.

Giữa tháng 6, ông Valls thông báo dự kiến từ đầu năm 2014, Cục Tình báo nội vụ trung ương (DCRI) sẽ được thay thế bằng Tổng cục An ninh nội vụ (DGSI), theo tờ L’Express. Về nguyên tắc, DGSI vẫn đảm nhận 4 nhiệm vụ chính như DCRI, bao gồm: phản gián, chống khủng bố, bảo vệ di sản quốc gia và an ninh kinh tế, theo dõi các phong trào bạo động và hiện tượng xã hội để dự báo trước những mối đe dọa. Tuy nhiên, DGSI sẽ có nhiều quyền hạn và độc lập hơn nhiều so với DCRI. Cơ quan này sẽ không còn thuộc Tổng nha Cảnh sát quốc gia mà do Bộ Nội vụ Pháp quản lý trực tiếp. Nhờ đó, DGSI sẽ thật sự “ngang hàng” với Tổng cục An ninh đối ngoại, vốn trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp. Theo kế hoạch, thời gian tới, DGSI sẽ tuyển dụng thêm 430 nhân viên và đặc biệt nhắm vào các nhà ngôn ngữ học, chuyên gia về công nghệ thông tin, thậm chí là một số tin tặc.

Theo các nhà quan sát, sự ra đời của DGSI còn nhằm “lướt qua” làn sóng chỉ trích của dư luận đối với DCRI trong thời gian gần đây. Cơ quan này bị truyền thông Pháp đánh giá hoạt động không hiệu quả trong vụ phần tử Hồi giáo cực đoan giết 7 người, trong đó có 3 binh sĩ, trước khi bị cảnh sát bắn hạ tại thành phố Toulouse hồi tháng 3. Cuối tháng 4.2013, DCRI lại gây chú ý khi triệu tập 2 nhà báo Pierre Alonso và Andrea Fradin để “tường trình về một vụ việc có liên quan”. Hồi giữa tháng 9.2012, hai nhà báo này đã cùng viết bài trên trang tin Owni về Trung tâm thông tin tư pháp quốc gia (PNIJ), chuyên lưu trữ các dữ liệu thu được từ nhà mạng điện thoại di động, internet chia sẻ (thông tin về người thuê bao, nội dung tin nhắn, thư điện tử, các website đã truy cập…). Dự kiến PNIJ sẽ được đưa vào sử dụng trong những tháng sắp tới nhưng đến nay, cơ quan quản lý trung tâm này là Bộ Tư pháp Pháp hầu như không cung cấp thông tin gì cho truyền thông. Tài liệu do hai ông Alonso và Fradin đưa lên Owni hồi tháng 9 được gắn mác “bí mật quốc phòng”. Trong đó, nêu rõ mục tiêu thành lập PNIJ: tập trung dữ liệu về một nơi lưu trữ duy nhất; tăng tính bảo mật; giúp việc tra cứu, phân tích thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn…

Kiểm duyệt Wikipedia

Đầu tháng 3.2013, DCRI yêu cầu tổ chức Wikimedia Foundation “gỡ” bài viết về trạm thu phát sóng quân sự Pierre-sur-Haute ở miền trung nước Pháp, được đưa lên Wikipedia vào tháng 7.2009, vì “truyền bá thông tin quốc phòng quan trọng khi chưa được phép”, theo trang tin Rue 89. Bị từ chối, DCRI liên lạc với Rémi Mathis, quản trị viên tình nguyện của Wikipedia tại Pháp, để đưa ra yêu cầu tương tự và cảnh báo nếu không chấp hành, ông này có thể bị tạm giam và khởi tố. Trước áp lực quá lớn bài viết bị gỡ xuống, nhưng ngay lập tức một quản trị viên ở Thụy Sĩ đã đăng lên lại và thêm vào thông tin về vụ kiểm duyệt của DCRI. Bài viết đã trở thành mục có số lần truy cập trong 1 ngày cao nhất của Wikipedia tiếng Pháp và đến nay đã được dịch sang 29 thứ tiếng.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Edward Snowden xin tị nạn ở 21 nước
>> Edward Snowden xin tị nạn ở Nga, dọa tiết lộ thêm thông tin mật về Mỹ
>> Vụ Snowden: Ecuador sẽ hội ý trước với Mỹ
>> Những tình tiết bí mật đằng sau vụ Edward Snowden đào thoát khỏi Hồng Kông
>> Mở ra khả năng Snowden ở lại nước Nga
>> Mỹ không điều chiến đấu cơ chặn Snowden
>> Quốc hội Nga mời Edward Snowden hợp tác điều tra
>> Snowden và kiếp lấy sân bay làm nhà
>> Edward Snowden có nguy cơ bị kẹt lại Nga vĩnh viễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.