Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia”: Những khách hàng lớn từ Ả Rập

05/07/2013 03:20 GMT+7

Phương Tây từng xem các chính phủ Libya, Syria, Tunisia... mà họ đã và đang góp phần lật đổ là “mối ruột” về thiết bị do thám người dân.

Tòa án Paris (Pháp) vừa ra lệnh điều tra hãng Amesys, công ty con của Tập đoàn công nghệ thông tin Bull, theo tờ Le Figaro. Hãng này bị một số tổ chức nhân đạo kiện với cáo buộc tiếp tay cho chính quyền Libya dưới thời ông Muammar Gaddafi theo dõi thông tin điện tử và nghe lén điện thoại của công dân. Đây không phải là trường hợp cá biệt và trước khi đợt chính biến ở Bắc Phi -Trung Đông nổ ra, các nước trong khu vực từng được xem là “miền đất hứa” về tình báo điện tử cho nhiều hãng cung cấp thiết bị Âu - Mỹ.

Hồ sơ về những mục tiêu theo dõi của tình báo Libya, được tìm thấy sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ - d
Hồ sơ về những mục tiêu theo dõi của tình báo Libya, được tìm thấy sau khi
ông Muammar Gaddafi bị lật đổ - Ảnh: Reuters
 

Nhìn thấu - Phản ứng nhanh

Sau khi ông Gaddafi bị lật đổ vào tháng 8.2011, nhà báo Margaret Coker của tờ The Wall Street Journal đã đến thăm một trung tâm tình báo ở thủ đô Tripoli. Tại nơi này, mọi thứ đều bị theo dõi: mạng điện thoại, internet, các kết nối vệ tinh... Trong những hồ sơ còn lưu lại có nội dung thư điện tử, trao đổi điện thoại của thành viên các đảng phái đối lập. Điều khiến nhà báo Coker chú ý là trên tường của trung tâm có dán áp phích của nhà cung cấp thiết bị: hãng Amesys. Một thời gian sau, tờ Le Figaro đưa tin về việc nhiều kỹ sư và một số cựu chuyên gia tình báo quân sự của Pháp từng đến Libya vào tháng 7.2008 để huấn luyện sử dụng các thiết bị nói trên.

Tương tự, theo tờ Le Monde Diplomatique, nhờ các thiết bị do một công ty Mỹ cung cấp, các cơ quan tình báo Syria có thể dễ dàng tìm thấy tên đăng ký, mật mã của người dùng internet để vào xem/sửa đổi nội dung thư điện tử, tài khoản mạng xã hội... Hệ thống này có tên Deep Packet Inspection (DPI), vốn là gói sản phẩm phổ biến của nhiều hãng công nghệ thông tin phương Tây. Hãng Narus (được Boeing mua lại từ năm 2010) cũng từng sốt sắng lắp đặt hệ thống DPI tại Ai Cập dưới thời của Tổng thống Hosni Mubarak. Để thuyết phục khách hàng, Narus luôn nhắc đến khẩu hiệu: “See clearly. Act swiftly” (tạm dịch: Nhìn thấu. Phản ứng nhanh).

Phòng thí nghiệm khổng lồ

Hồi đầu năm 2012, The Wall Street Journal từng đăng bài về 200 hồ sơ của 36 công ty gửi đến các cơ quan an ninh Mỹ để giới thiệu thiết bị theo dõi, nghe lén đời mới nhất. Với sự cạnh tranh ngày càng tăng, nhiều công ty không thể chỉ trông chờ vào chương trình “chống khủng bố” ở phương Tây mà phải mở rộng hoạt động sang những khu vực khác. Trước khi xảy ra phong trào “Mùa xuân Ả Rập” thì các nước Bắc Phi, Trung Đông… là thị trường đầy tiềm năng và là nơi thử nghiệm sản phẩm lý tưởng.

Theo Le Monde Diplomatique, chính phủ Tunisia dưới thời Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali từng được “giảm giá đặc biệt” khi mua một số chương trình theo dõi mới và chưa ổn định. Còn đối với hãng Amesys, phần mềm tình báo Eagle đã có cơ hội “thử nghiệm toàn diện” ở Libya trước khi được hoàn thiện và bán cho các nước khác với giá cao hơn. Một chuyên gia Pháp từng có mặt tại Libya kể lại trên Le Figaro: “Đất nước này là một phòng thí nghiệm khổng lồ với điều kiện lý tưởng: theo dõi mọi thông tin trên mạng internet, điện thoại của gần như tất cả mọi người”.

Trong thương vụ giữa Amesys với chính quyền Tripoli, nhóm chuyên gia Pháp đã chỉ dẫn cặn kẽ các thao tác, thủ thuật để theo dõi hiệu quả nhất. Trước thực tế đáng lo ngại nói trên, những năm gần đây, EU đã ra một số luật nhằm siết chặt việc bán các thiết bị theo dõi. Tuy nhiên, việc áp dụng gặp không ít khó khăn vì không thể kiểm soát nghiêm ngặt như đối với vũ khí.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia” - Kỳ 2: Theo dõi kiểu Đức
>> Phần chìm của tảng băng “an ninh quốc gia”: Pháp gấp rút nâng cấp tình báo nội địa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.