Paris giữa nỗi lo khủng bố, nước lũ và đình công

05/06/2016 09:17 GMT+7

Chiều muộn, những người lính ngồi ăn trong cửa hàng Flunch bên hông Trung tâm Pompidou. Sau lưng họ là một chồng tiểu liên xếp ngay ngắn.

Ngày đen tối đã dần trôi về quá khứ nhưng bất an còn ở lại dài lâu trong lòng. Các vụ khủng bố đẫm máu ngay giữa lòng Paris hồi năm ngoái đã in hằn những thương tích khó mờ phai trong lòng kinh đô ánh sáng.
Súng chắc trong tay
Sau một hồi đi dọc bờ sông Seine nhìn dòng nước lũ đục ngầu cuộn chảy, 2 bạn trẻ người Việt dẫn tôi vào tiệm Flunch bên hông Trung tâm Pompidou ở Quận 4. Trong khi chọn thức ăn, chúng tôi đứng giữa những người lính cao to đeo tiểu liên bên mình. “Ở đây, mình sẽ ngồi ăn với những người lính. Họ là lực lượng quân đội được tăng cường cho công tác bảo an tại Paris”, người bạn đi cùng giới thiệu.
Đấy chính là những người lính mà tôi đã gặp vào buổi chiều, khi đi dọc bờ sông Seine, qua khu nhà thờ Đức Bà rồi tới Pompidou. Trong buổi sáng và cả những ngày sau đó nữa, tôi còn gặp lại bóng dáng những quân nhân súng luôn chắc trong tay ở các nhà ga, khu công viên, từ Gare du Nord cho tới sân Stade de France ở vùng Saint-Denis.
Sau khi các tay súng cực đoan tấn công thẳng vào một trong những biểu tượng của văn minh châu Âu hồi năm 2015, Pháp tăng cường an ninh tối đa. Paris luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và lực lượng bảo an được mở rộng quyền nổ súng trong các tình huống khẩn cấp. Các biện pháp an ninh khác cũng được triển khai đồng bộ và chi li, từ những tiểu tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt tới những giải pháp mang tầm chiến lược quốc gia.
“Anh thấy những túi đựng rác làm bằng nhựa trong suốt này không? Trước đây người ta dùng thùng rác tối màu, giờ cả Paris dùng túi trong suốt, ta có thể thấy rõ các vật đựng bên trong. Làm vậy để nếu khủng bố đặt chất nổ trong thùng rác thì cũng dễ phát hiện”, anh bạn người Việt giải thích.
Nhân viên an ninh kiểm tra trước một trận đấu của giải quần vợt Pháp mở rộng Reuters
Một khu vực cho người hâm mộ tụ tập được bố trí trước thềm Euro 2016 ở Paris Reuters
Nước Pháp là cường quốc số 1 thế giới về du lịch xét theo số lượng khách. Năm ngoái, họ đón gần 85 triệu người nước ngoài đến thăm. Điều này có nghĩa là bên cạnh việc bảo an cho 65 triệu người dân (chỉ tính phần lãnh thổ ở châu Âu), Pháp còn phải đảm bảo an ninh cho lượng du khách nhiều hơn dân số của mình. Du khách mang tới cho nước Pháp khoảng 40 tỉ euro mỗi năm, nhưng dòng người khắp nơi đổ về cũng mang theo nguy cơ khủng bố trà trộn, thâm nhập.
Mùa hè năm nay, 2 sự kiện thể thao hàng đầu thế giới diễn ra gần như đồng thời tại Pháp, Euro 2016 từ ngày 10.6 đến 10.7 và giải đua xe đạp Tour de France từ 2.7 đến 24.7, giữa bối cảnh nguy cơ khủng bố đang lên cao càng khiến nhiệm vụ bảo an trĩu nặng trên đôi vai người Pháp.
Năng lực quân sự, an ninh của Pháp luôn được đánh giá cao hàng đầu thế giới. Ngày nay, cùng với việc hợp tác an ninh quốc tế được mở rộng, trong đó ưu tiên cho việc ngăn chặn và triệt tiêu từ xa các mối đe dọa khủng bố, chính phủ và người dân Pháp tự tin rằng họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến cam go này. Chiến thắng trong thực tế, đó là ngăn chặn những sự kiện đẫm máu xảy ra, và chiến thắng trên tinh thần, đó là luôn giữ sự lạc quan trong và sau mỗi cuộc tai ương.
Tuy nhiên, khủng bố cứ như một bóng ma vô hình vô ảnh. Nó có thể xuất hiện vào lúc người ta ít ngờ nhất, nên việc tăng cường cảnh giác phải luôn được ưu tiên. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra khuyến cáo nêu rõ các mục tiêu dễ bị khủng bố tấn công, trong đó hầu hết đều liên quan tới Euro 2016.
Thảm họa thiên nhiên
Nếu như phải kể ra một sự lạ của Paris vào lúc này thì ngoài những binh sĩ lăm lăm súng trong tay, có lẽ khác lạ nhất là cái cuồn cuộn đục ngầu của dòng sông Seine vốn dĩ êm đềm, thơ mộng. Một đợt lũ khủng khiếp quét qua châu Âu đã để lại nhiều hoang tàn, đổ nát. Nằm giữa cơn thiên tai ấy, nước Pháp hứng chịu mất mát không hề nhỏ, tới mức Tổng thống Francois Hollande phải ban bố tình trạng thảm họa thiên nhiên.
Tại Paris, do ảnh hưởng mưa ở thượng nguồn, sông Seine đã dâng cao tới mức kỷ lục trong vòng 100 năm vào hôm thứ năm vừa rồi. Hoạt động du lịch bị đình trệ, giao thông công cộng bị ảnh hưởng, trong đó có một tuyến tàu điện phải tạm ngưng hoạt động.
Lực lượng cứu hộ được triển khai đến một khu dân cư bên bờ sông Seine, gần Paris Reuters
Bảo tàng Louvre đã phải tạm đóng cửa. Trong ảnh: khu vực xếp hàng thường ngày đông đúc bên ngoài bảo tàng Louvre Reuters
Các bảo tàng nổi tiếng Louvre và Orsay (Musée d'Orsay) phải đóng cửa từ ngày 3.6 để bảo vệ các kiệt tác nghệ thuật trước nguy cơ nước có thể thâm nhập gây hư hại. Louvre là bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, đón khoảng 9 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Cho nên việc đóng cửa bảo tàng này, dù tạm thời và cực chẳng đã, là một thông tin thời sự lớn của báo chí nước này.
Rạng sáng qua, mực nước sông Seine đã dâng lên hơn 6 m và được dự đoán sẽ đạt đỉnh ở mức 6,1 - 6,4 m. Nguyên nhân của hiện tượng này là đợt mưa khủng khiếp vào ngày 30 và 31.5 tại thủ đô Pháp. Chỉ trong 2 ngày, lượng mưa đo được là 61,3 mm. Trong khi đó, theo Cơ quan Khí tượng Pháp, tổng lượng mưa trung bình trong cả tháng 5 ghi nhận được trong giai đoạn từ năm 1981 - 2010 là 63,2 mm. Như vậy, 2 ngày cuối tháng 5 vừa qua lượng mưa ở Paris bằng 31 ngày của tháng 5 thông thường.
Đình công dai dẳng
Thêm một chuyện nữa không thể không kể khi đến thăm Paris trong những ngày này, đó là làn sóng đình công dai dẳng và rộng khắp. Về chuyện này, kể ra thì chính bản thân tôi cũng ít nhiều đã trở thành một nạn nhân. Nguyên nhân là luật về lao động mới được thông qua, trong đó có điều khoản bị chỉ trích là tạo điều kiện để chủ lao động dễ sa thải công nhân hơn, cũng như có thể giảm tiền công ngoài giờ. Cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, các nghiệp đoàn lao động đã tổ chức những đợt đình công và đại biểu tình.
Lối vào một trung tâm xử lý chất thải bị chặn lại trong một cuộc đình công của công nhân Reuters
Ở Paris, dễ thấy nhất là cuộc đình công của công nhân ngành vận tải công cộng. Hệ thống tàu RER kết nối vùng ngoại ô với tàu điện nội đô (metro) bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nhiều lần đi ra sân Stade de France, tôi đã phải cùng đám đông hàng trăm người đứng chờ tàu mòn mỏi, có lúc hơn 1 tiếng đồng hồ.
Nguy cơ khủng bố, cơn bão đình công, lũ lụt và làn sóng tị nạn, có quá nhiều vấn đề đang xảy ra. Xét về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì có vẻ như năm nay không phải là một năm tốt lành cho nước Pháp, sau những gì đã và đang xảy ra. Một thống kê của Euromonitor International cho thấy trong quý 1/2016, lượng du khách đến Pháp giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giữa bối cảnh đó thì một kỳ Euro sôi động và an toàn được kỳ vọng sẽ là cú hích tích cực.
Ngày thứ sáu “thê thảm”
Trả lời PV Thanh Niên, chị Cécile Phạm, một Việt kiều sống ở ngoại ô Paris kể: “Tôi làm việc cách sông Seine không xa, các tuyến tàu điện tôi thường dùng cũng hay đi qua nhiều cây cầu bắc ngang dòng sông này. Cách đây khoảng một tuần, tôi thấy nước đã bắt đầu dâng, nhưng không bận tâm lắm. Nhưng 2 ngày vừa qua thì tôi thật sự giật mình, thậm chí cảm thấy hơi sợ. Từ trụ cầu này sang trụ cầu kia thường có hình vòm. Sáng 3.6, tôi thấy nước dâng cách mái vòm không còn bao nhiêu. Nước thì đục ngầu. Ở bờ sông, nơi dân Paris thường đi bộ, ngồi chơi, ăn trưa... thì giờ ngập hết”.
Nước dâng lên quá sát các cây cầu nên từ ngày 1.6, toàn bộ tàu bè đều bị cấm qua lại trên đoạn sông Seine chảy qua Paris.
Chị Cécile rầu rĩ nói những ngày vừa qua với chị thật “thê thảm”: “Mưa xối xả không dứt. Đã vậy còn đợt đình công chưa biết khi nào ngưng của ngành giao thông công cộng”. Lụt lội, đình công, mưa gió, sáng 3.6, chị Cécile mất hơn 3 tiếng mới đi được từ nhà ở ngoại ô đến nơi làm ở trung tâm Paris: “Tôi phải đi xe buýt đến khu Juvisy để lấy tàu điện vào trung tâm. Do giao thông đình trệ nên hơn 40 phút, buýt mới tới, xe quá đông, tài xế không đóng cửa được. Nhiều người chen lấn một hồi bực bội quá, xô xát với nhau. Thật kinh khủng, tôi muốn bỏ xuống mà đâu có được vì cửa lên không đóng được còn cửa xuống thì không mở. Mất nửa tiếng xe mới chạy. Còn vài trạm nữa thì đến ga Juvisy, tài xế phải cho dừng vì đường ngập, cấm xe. Thế là cả đoàn phải xuống, thất thểu đi bộ thêm 30 phút mới tới ga. Khi tôi tới được chỗ làm thì chân đau nhức, cả người bầm dập”.
Đình công giao thông công cộng và thời tiết xấu đã làm vùng Île-de-France (Paris và các khu vực ngoại ô) bị tê liệt. Tính đến hôm qua, lũ lụt đã làm ít nhất 2 người thiệt mạng tại vùng này. Tại khu ngoại ô Essonne, nhiều thị trấn đã phải sơ tán cư dân vì đường sá ngập nước khiến các khu dân cư bị cô lập, điện, nước và hệ thống sưởi cũng bị cắt.
Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.