Ông Putin nói có thể giúp giải quyết bế tắc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên

03/09/2016 16:19 GMT+7

Tổng thống Nga kêu gọi thận trọng đối phó với Bình Nhưỡng, tránh kích động làm gia tăng căng thẳng với Triều Tiên, đồng thời cho biết Moscow có thể giúp giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh ở thành phố cảng Vladivostok của Nga ngày 3.9 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow ủng hộ việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.
"Tôi nghĩ bất kỳ hành động kích động nào đều không có tác dụng, chỉ làm căng thẳng leo thang", Tổng thống Nga phát biểu trong diễn đàn, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề hạt nhân.
Tổng thống Putin cho biết Nga có nhiều “kênh khác nhau" làm việc với Bình Nhưỡng và sẽ sử dụng những kênh này để giúp giải quyết các bế tắc về đàm phán hạt nhân đang diễn ra với Triều Tiên, theo Yonhap. "Bên cạnh đó, Nga chống lại sự phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Putin nói thêm.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Park kêu gọi Nga và các cường quốc khác gia tăng áp lực với Triều Tiên và buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân, nói rằng điều này sẽ mở đường cho Bình Nhưỡng hợp tác với thế giới và phát triển.
"Để Bình Nhưỡng đưa ra quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân, điều quan trọng là cần phải có một thông điệp thống nhất mạnh mẽ (từ thế giới)", bà Park nói trong diễn đàn ở Vladivostok.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang đe doạ thế giới AFP
Những lo ngại về mối đe dọa từ Triều Tiên bắt đầu kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1.2016 và tiếp theo là một loạt vụ phóng tên lửa, bất chấp lệnh trừng phạt nặng nề từ Liên Hiệp Quốc từ tháng 3.2016.
Hồi tháng 6.2016, Triều Tiên phóng thử hai tên lửa Musudan, một trong hai tên lửa này bay lên độ cao 1.000 km, điều này có nghĩa nó có thể bay xa hơn 3.000 km. Hồi tháng 8.2016, Bình Nhưỡng phóng tiếp một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) bay được 500 km về phía Nhật Bản.
"Nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và chọn con đường mở cửa với thế giới, chúng tôi sẽ cùng với cộng đồng quốc tế hỗ trợ tích cực điều này", bà Park nói.
Chưa thấy phản ứng từ Bình Nhưỡng. Lâu nay lãnh đạo Triều Tiên vẫn khẳng định không từ bỏ con đường phát triển vũ khí hạt nhân, thay vào đó Bình Nhưỡng tuyên bố phát triển hạt nhân song song với phát triển kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.