Nước Mỹ trong thách thức hỗn loạn và chia rẽ

08/01/2021 09:00 GMT+7

Sau những điều xảy ra tại thủ đô Washington D.C vào ngày 6.1 (theo giờ địa phương), nước Mỹ sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Rạng sáng 7.1 (theo giờ Việt Nam), khi chứng kiến những gì đang xảy ra ở Điện Capitol (tòa nhà quốc hội Mỹ) tại thủ đô Washington D.C, tôi tự hỏi: “Đây có còn là một nước Mỹ mà tôi từng biết hay không!?”.

Biểu tượng bị thách thức

Thực ra, những vụ bạo động không phải chưa bao giờ xảy ra ở nước Mỹ nói chung hay thủ đô Washington nói riêng. Tuy nhiên, vụ việc lần này xảy ra ở Điện Capitol - nơi vốn được xem là thiêng liêng, bất khả xâm phạm vì đóng vai trò như biểu tượng nền móng của nền dân chủ Mỹ.
Chỉ mới đây thôi, ngay giữa những cuộc bạo động của người da màu, những con đường ở trung tâm Washington D.C đều trở thành “chiến trường” của các vụ đụng độ, nhưng Điện Capitol chưa bao giờ là mục tiêu. Lần gần nhất mà Điện Capitol bị “tấn công” thì cũng đã hơn 200 năm khi quân đội Anh đánh phá vào năm 1812.
Cũng bởi thế, khi trả lời Thanh Niên vào hôm qua 7.1, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) phải thốt lên rằng: “Việc những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump “xâm chiếm” Điện Capitol ngày 6.1 đã gây sốc không chỉ cho nội bộ nước Mỹ, mà còn đối với thế giới”.

Hàn gắn vết thương

Trong bối cảnh hiện nay, sự hỗn loạn đang diễn ra không khiến người ta nhớ đến cuộc tấn công của quân đội Anh năm xưa, mà kết hợp với tình trạng chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ chỉ dẫn dắt về một quá khứ đau buồn khác trong lịch sử của Mỹ. Đó là cuộc nội chiến của nước này diễn ra từ năm 1861 - 1865, dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln.
Dường như, những gì diễn ra vào ngày 6.1 cũng đã nhắc nhớ người Mỹ về những kịch bản xấu nhất có thể xảy đến cho đất nước này nếu chia rẽ và hỗn loạn tiếp tục dâng cao. Kết quả là, chỉ sau một thời gian ngắn vãn hồi trật tự ở Điện Capitol, nhiều nghị sĩ trước đó phản bác kết quả bầu cử ở một số bang đã từ bỏ ý định phản đối. Có lẽ, họ hiểu rằng cội rễ cho sự ổn định, nền tảng thể chế lâu đời của nước Mỹ đang bị đe dọa. Và sự thông hiểu đó có thể là yếu tố để các chính trị gia Mỹ tìm thấy sự đồng thuận.
Tuy vậy, điều nước Mỹ cần đạt được thì không chỉ là sự đồng thuận trong ngắn hạn, không chỉ là lưỡng viện quốc hội tiếp tục họp để thống nhất công nhận ứng viên Joe Biden chính thức là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3.11.2020. Điều nước Mỹ cần đạt được là kết thúc sự chia rẽ đang diễn ra trong lòng nước Mỹ.
Nước Mỹ trong thách thức hỗn loạn và chia rẽ1

Khách sạn Trump International nằm trên đại lộ Pennsylvania nối Nhà Trắng với Điện Capitol

ẢNH: NGÔ MINH TRÍ

Sự chia rẽ đó không phải đơn thuần xuất phát từ những con người bốc đồng, những con người một lúc bức xúc. Bởi thực tế, sau 4 năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump vẫn để lại những di sản nhất định, đủ để nhận được sự ủng hộ của không ít người Mỹ. Đó là tỷ lệ thất nghiệp giảm, là thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ, là thâm hụt thương mại giảm đi.
Tất nhiên, sau 4 năm vừa qua, Mỹ cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn như sự chia rẽ, quá trình đối phó đại dịch Covid-19 còn nhiều bất cập vốn bị cho là nguyên nhân khiến hàng trăm ngàn người dân nước này thiệt mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết thách thức trở thành thước đo cho ông Biden. Điều người ta có thể kỳ vọng là ông Biden từng làm cầu nối để giải quyết những bất đồng lưỡng đảng vào năm 2003, khi tổng thống Mỹ lúc ấy là ông George W.Bush tấn công Iraq.

Không chỉ đối nội

Thách thức với nước Mỹ giờ đây không chỉ có đối nội mà còn liên quan chính sách đối ngoại.
Đối với cộng đồng quốc tế, hầu hết các đồng minh và đối tác lâu nay đều lo ngại tính thiếu ổn định trong chính sách của Tổng thống Trump. Giờ đây, dù ông không còn tại vị trong nhiệm kỳ tới, nhưng các đồng minh và đối tác có một mối lo ngại khác. Đó là ông đã để lại một thứ chủ nghĩa quốc gia mang tính cực đoan cùng trào lưu “nước Mỹ trên hết” trong chính giới Mỹ, PGS Stephen Robert Nagy nhận xét.
Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, việc hợp tác hiệu quả với các đồng minh và đối tác, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là một thách thức khác cho Tổng thống tân cử Joe Biden. Thực tế, dưới thời Tổng thống Trump, quan điểm “nước Mỹ trên hết” đã khiến nhiều đồng minh chưa đặt nhiều niềm tin vào nỗ lực thực hiện cam kết của Washington đối với Indo-Pacific.
Nhưng nói như thế không đồng nghĩa với việc ông Trump chỉ tạo ra khó khăn. Thực tế, trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2017, bài phát biểu của ông Trump đã nhiều lần nhắc đến cụm từ Indo-Pacific cũng là lúc Washington chính thức theo đuổi chính sách Indo-Pacific tự do và rộng mở. Vốn dĩ được đề cập từ nhiều năm trước bởi cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nhưng chỉ đến khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu theo đuổi thì chính sách Indo-Pacific mới chứng minh vai trò quan trọng. Giờ đây, thách thức đối ngoại của ông Biden đối với châu Á là cần cho chính sách Indo-Pacific được củng cố chặt chẽ với các đồng minh và đối tác liên quan.
Chính vì thế, dù có nhiều tranh cãi, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn là một giai đoạn lịch sử khó quên của nước Mỹ. Như khách sạn Trump International của gia đình ông Trump vẫn đang hiện diện trên đại lộ Pennsylvania nối từ Nhà Trắng đến Điện Capitol. Những ngày tháng tới, có lẽ không chỉ ông Biden mà cả chính giới Mỹ phải tìm kiếm sự đồng thuận lâu dài, như kết quả mà Tổng thống Abraham Lincoln từng theo đuổi sau cuộc nội chiến ngày trước.
Ở Washington, đài tưởng niệm của ông Lincoln hướng về phía Điện Capitol. Giờ đây, điều đó mang ý nghĩa rằng ông sẽ theo dõi nơi đặt nền móng cho nền dân chủ Mỹ liệu có làm được như tiền nhân.
Vết nhơ của nền dân chủ
Vụ việc diễn ra ở thủ đô Washington D.C là một vết nhơ mà cả giới truyền thông và nhiều chính trị gia đều phải chịu trách nhiệm. Bạo lực đã gây tổn hại hình ảnh của nền dân chủ Mỹ trong đánh giá của thế giới. Vai trò và cách thức phản ứng của Tổng thống Trump đã phá hủy di sản ông để lại.
Ông Carl O.Schuster 
(Giảng dạy ở Đại học Hawaii, Mỹ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.