Nước Anh trước quyết định lịch sử

23/06/2016 06:43 GMT+7

Các thăm dò đều cho thấy kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh vào hôm nay 23.6 về việc rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, sẽ chênh lệch rất sít sao.

Theo AFP, cử tri Anh sẽ phải lựa chọn giữa “đi” hay “ở” để trả lời câu hỏi: “Anh tiếp tục là thành viên hay rời bỏ EU?”. Kết quả của 3 cuộc thăm dò được công bố hôm qua cho thấy nước Anh và EU sẽ phải hồi hộp đến phút chót.
Thăm dò của Viện ORB cho tờ Daily Telegraph cho thấy 53% người được hỏi ủng hộ Anh ở lại EU (Brexin), còn người chọn Brexit chiếm 46%. Tương tự, kết quả thăm dò của Viện NatCen là 53% Brexin, 47% Brexit. Trong khi đó, tỷ lệ này trong thăm dò của Viện YouGov là 42% - 44%. Ngoài ra, website What UK Thinks thu thập kết quả của 6 cuộc thăm dò gần nhất để lấy trung bình thì tỷ lệ giữa “ở” và “đi” là 50 - 50.
Từ nhiều tháng qua, chính phủ Anh liên tục cảnh báo về những hậu quả khó lường nếu kết quả kiểm phiếu công bố ngày 24.6 chính thức đưa nước này ra khỏi EU. Thủ tướng David Cameron tuyên bố: “Rời bỏ EU sẽ là một lựa chọn không thể vãn hồi và các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu hệ quả. Vì con cháu, chúng ta đừng đơn độc mà hãy cùng nhau đương đầu với các vấn đề của quốc tế”. Những ngày gần đây, người dân Anh đổ xô mua USD và euro vì lo ngại đồng bảng sẽ rớt giá kỷ lục nếu Brexit thành hiện thực.
Bên cạnh đó, Quỹ nghiên cứu Bertelsmann Stidtung (Đức) cảnh báo Brexit sẽ làm Anh giảm 14% GDP. Cụ thể, nước này thiệt hại khoảng 78 tỉ euro/năm trong vòng 10 năm vì hàng rào thuế quan sẽ làm trao đổi thương mại với các nước trong khu vực sụt giảm nghiêm trọng. Theo Trung tâm nghiên cứu Open Europe, sau khi chia tay EU, giá cả tại Anh sẽ tăng vọt: thuốc tăng 4,5%; xe hơi tăng 10%; thực phẩm tăng 20%...
Nếu như trong thập niên 1970, ngoại thương của Anh tập trung vào các nước cựu thuộc địa thì việc gia nhập EU năm 1973 đã làm thay đổi tất cả. Thị trường chung với lợi thế là tự do lưu thông hàng hóa đã làm các nước trong khối trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Anh. Ví dụ điển hình là đường hầm xuyên biển Manche nối Anh với Pháp.
Thỏa thuận xây dựng đường hầm này vào năm 1984 cũng bị phản đối mạnh mẽ tại Anh. Tuy nhiên, năm 2004, tức 10 năm sau khi đường hầm xuyên biển Manche khánh thành, kết quả rất đáng kể: trao đổi thương mại giữa đảo quốc sương mù với châu Âu lục địa tăng gấp đôi; 20 triệu lượt khách qua lại/năm; 18,7 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển/năm.
Ngược lại, luận điểm chính của những người ủng hộ Brexit là rời khỏi EU sẽ giúp London kiểm soát được dòng người nhập cư bất hợp pháp, không còn bị ràng buộc bởi những quy định chung về phúc lợi, lương bổng... và giúp tiết kiệm khoản đóng góp đến 13,8 tỉ euro/năm cho liên minh khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.