Nóng bỏng lò lửa Jerusalem

07/12/2017 06:56 GMT+7

Nhiều nước trên thế giới cảnh báo hậu quả nghiêm trọng từ ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Hàng loạt lãnh đạo các quốc gia trên thế giới lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy tai hại và khó lường từ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào rạng sáng nay 7.12 (giờ VN) về chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
“Quyết định của tổng thống là sự công nhận thực tế lịch sử và đương đại”, AFP hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng khẳng định.
Theo người này, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao bắt đầu lên kế hoạch dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và tiến trình này dự kiến mất 3 - 4 năm.
Công nhận vai trò thủ đô Israel của Jerusalem là một trong những cam kết quan trọng nhất của Tổng thống Trump khi còn tranh cử. Tuy nhiên, nhiều bên cho rằng động thái này có thể phá vỡ tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, kích ngòi một cuộc xung đột mới trong bối cảnh Trung Đông đang chứng kiến khủng hoảng ở Li Băng, Syria, Iraq và Yemen; còn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Hôm qua, theo AFP, Tổng thống Trump đã có nhiều cuộc điện đàm với hàng loạt lãnh đạo các quốc gia, nhưng có vẻ như ông chưa thể trấn an các đồng minh và đối tác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố động thái của Mỹ sẽ “châm thêm lửa” ở Trung Đông, còn Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út cảnh báo việc di dời Đại sứ quán Mỹ là “động thái nguy hiểm” có thể chọc giận người Hồi giáo khắp thế giới.
Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định quy chế của Jerusalem phải do Israel và Palestine đàm phán trực tiếp và đích cuối cần hướng tới là một thủ đô chung.
Bản thân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa đưa ra tuyên bố nào, còn phong trào Hamas đe dọa sẽ tiến hành cuộc nổi dậy mới. Chính quyền Palestine thì cảnh báo quyết định của Mỹ là “lời tuyên chiến” ở Trung Đông và sẽ đặt dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tiến trình hòa đàm sẽ không bị ảnh hưởng và Washington đang tìm kiếm “cách tiếp cận mới” cho hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, để đề phòng khủng hoảng bùng nổ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu nhân sự hạn chế đến Jerusalem và tất cả đại sứ quán Mỹ khắp Trung Đông phải tăng cường an ninh.
Thành lập từ khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, Jerusalem được xem là thánh địa của cả Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Chính vì thế mà lịch sử thành phố này phải chứng kiến khói lửa triền miên với 23 trận vây hãm, 52 cuộc tấn công và hơn 40 lần bị chiếm và tái chiếm. Trong đó, được biết đến nhiều nhất là những cuộc Thập tự chinh trong thời Trung cổ.
Sau chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948, Israel quản lý tây Jerusalem còn Jordan kiểm soát đông Jerusalem với dân số chủ yếu là người Palestine. Đến năm 1967, Israel giành thắng lợi trong chiến tranh Sáu ngày và chiếm được đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây cùng cao nguyên Golan.
Đến nay, thành phố này luôn là tâm điểm cực kỳ quan trọng trong xung đột Israel - Palestine cũng như quan hệ giữa nhà nước Do Thái với khối Ả Rập. Đại sứ quán của các nước tại Israel đều đặt ở Tel Aviv và LHQ luôn nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước, trong đó Jerusalem là thủ đô chung của cả Israel lẫn Palestine.
Tại Mỹ, về pháp lý, nước này công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nhưng một đạo luật từ năm 1995 cho phép tổng thống đương nhiệm trì hoãn chính thức tuyên bố công nhận nếu thấy ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia và cứ 6 tháng phải đưa ra đánh giá một lần. Tất cả những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump và bản thân ông hồi tháng 6 đều thông báo là vì lý do an ninh quốc gia nên chưa ra tuyên bố công nhận.

tin liên quan

Căng thẳng leo thang tại Jerusalem
Căng thẳng tại khu vực thành cổ Jerusalem tiếp tục gia tăng từ khi Israel đặt hệ thống máy dò kim loại trước lối vào đền thờ Hồi giáo al-Aqsa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.