Nói nhà báo đáng chết, tân tổng thống Philippines bị chỉ trích

02/06/2016 19:00 GMT+7

Các phương tiện truyền thông ở Philippines dậy sóng sau phát biểu của Tổng thống tân cử Rodrigo Duterte. Ông cho rằng nhà báo bị sát hại là đúng, nếu họ là bọn tham nhũng và “khốn kiếp”.

Ryan Rosuaro, người đứng đầu Hiệp hội các nhà báo quốc gia Philippines cho rằng tự do truyền thông và việc giết người không phải là những vấn đề để đem ra đùa cợt.

“Thật kinh khủng khi Tổng thống tân cử Rodrigo Duterte biện minh cho các vụ sát hại các nhà báo trong nước bằng cách liên hệ nó với tham nhũng”, Reuters ngày 2.6 dẫn lời ông Ryan Rosuaro.

Trong khi đó ông Herminio Coloma, Thư ký văn phòng truyền thông của Tổng thống Philippines khẳng định nhà báo có mọi quyền cơ bản để được bảo vệ. Ông nói: “Trách nhiệm của chính phủ là phải bắt giữ, truy tố và trừng phạt những ai có trách nhiệm trong các hành vi bạo lực nhằm vào người trong giới truyền thông”.

Cơ quan Bảo vệ các nhà báo (CPJ) cũng lên án ông Duterte, nói rằng ông đã biện hộ và điều này có thể khiến Philippines trở thành khu vực các nhà báo bị sát hại nhiều hơn, và yêu cầu ông Duterte rút lại ý kiến trên.

Phản ứng của các cơ quan báo chí và truyền thông ở Philippines xuất hiện ngay sau khi ông Duterte đã có những phát biểu gây sốc tại buổi trả lời báo chí ở thành phố Davao hôm 31.5.

“Hầu hết các anh đều sạch sẽ, nhưng không phải tất cả đều minh bạch. Nếu chỉ vì là nhà báo, các anh không tránh khỏi các cuộc ám sát một khi các anh là đồ khốn”, ông Duterte nói.

Trên thực tế, ông Duterte vốn là người mạnh tay với nạn tội phạm và chính điều đó đã tạo dựng nên uy tín của cựu thị trưởng thành phố Davao. Tuy nhiên cái nhìn của ông về sự sống – chết cũng gây tranh cãi không kém.

Trong buổi phỏng vấn ấy, ông Duterte nhấn mạnh rằng khi một ai đó bị ám sát tức là họ đã làm gì đó sai trái, không phải tự dưng mà xảy ra chuyện ấy (?).

Trong những phát biểu gần đây, ông Duterte cũng từng cam kết diệt trừ tội phạm ở Philippines trong vòng 3 đến 6 tháng, kêu gọi cho phép lực lượng an ninh nước này được bắn chết tội phạm nếu cần. Một số ý kiến đã nhanh chóng phản đối, nói rằng cách làm của ông quá cứng rắn, trên mức cần thiết.

Philippines được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới với người làm báo. Khoảng 175 nhà báo đã bị giết tại đây tính từ năm 1986, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.