Nỗi khổ của trẻ em nhập cư tại Anh

03/09/2009 12:04 GMT+7

Có đến 56% trẻ nhập cư bị bắt giữ ở Anh Quốc được trả về với cộng đồng của mình. Tuy nhiên, khi được trả tự do, các em lại rơi vào tình trạng trầm cảm và những vấn đề sức khỏe khác

Chính phủ Anh đang phải đối mặt với những cáo buộc về vấn đề hàng trăm trẻ em bị bắt đưa vào các trại tị nạn tập trung. Con số chính thức chưa được tiết lộ, tuy nhiên thông tin rò rỉ ra ngoài cho thấy có đến 470 trẻ em vị thành niên đang bị giam giữ cùng với gia đình.

Con số đau lòng

Sau hàng loạt áp lực từ các nhóm bảo vệ quyền trẻ em và các nghị sĩ, cuối cùng những con số cũng dần được hé lộ. Hầu hết các em bé bị giam giữ đều dưới 6 tuổi, đến từ những nước nghèo như Zimbabwe, Sudan, Sri Lanka và Cộng hòa Congo.

Trong khi Bộ Nội vụ Anh không tiết lộ bất cứ điều gì về thời gian giam giữ thì ngày 30-6 vừa qua, một bức hình chụp những người bị giam giữ đã phơi bày tất cả. Hình ảnh này cho thấy khoảng 1/3 số trẻ em bị giam giữ hơn 28 ngày. Các số liệu cũng cho thấy trong số 225 đứa trẻ được thông báo trả tự do vào quý II năm nay, chỉ có 100 em là thật sự được Chính phủ Anh phóng thích.

Theo tính toán, để giam giữ một người trong trại tị nạn, chính phủ phải tiêu tốn 130 bảng Anh mỗi ngày. Vì vậy có những ý kiến cho rằng sẽ tốt hơn và tiết kiệm chi phí hơn nếu chính phủ không giam giữ trẻ em lâu như vậy.

Hậu quả nghiêm trọng

Phóng viên báo The Guardian (Anh) đã có buổi trò chuyện cùng với 3 gia đình đã từng bị giam giữ trong trại tị nạn Yarl’s Wood. Những người này ở độ tuổi từ 19 đến 71. Trong số các đứa trẻ của 3 gia đình này có Ibrahim Ssentongo, 4 tuổi, bị chấn thương 7 tháng sau khi vào trại tị nạn.

Cha của Ibrahim, ông Stephen Ssentongo, 35 tuổi, đến từ Uganda, cho biết: “Khi nhìn thấy bất cứ ai trong bộ đồng phục áo trắng quần đen, ví dụ như những người lái xe buýt hay những nhân viên an ninh trong các trung tâm mua sắm thì cháu đột nhiên khựng lại. Nó muốn nắm chặt lấy tay bạn để tìm sự an toàn. Lúc đó bạn hãy giữ chặt nó. Nó đang sợ đấy”.

Chuyên gia về tâm lý trẻ em Sheila Melzak, người từng làm việc với các gia đình bị giam giữ trong trại tị nạn, cho biết tất cả những đứa trẻ bà từng tiếp xúc đã bộc lộ những triệu chứng nặng nề kéo dài. Bà nói: “Đây thật là điều đáng sợ cho các cháu khi nhìn thấy cha mẹ chúng trong nước mắt. Chúng nhìn thấy người lớn đang trong tình trạng căng thẳng, lại còn nghe những tiếng gào thét, than khóc. Tất cả đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của chúng”.

Cô bé 12 tuổi Bethlehem Abate nhớ lại những ngày cô và mẹ bị giam cầm sau một cuộc bố ráp vào buổi sáng sớm. Với cô bé, hôm đó là một trong những ngày tồi tệ nhất mà cô đã trải qua trong cuộc đời mình.

Bethlehem từng sống ở Leeds trong 4 năm trời sau khi chạy trốn khỏi quê hương Ethiopia. Những tưởng cuộc đời mình sang trang mới khi đến Anh, cô lại một lần nữa như rơi xuống vực thẳm của sự thất vọng. Cứ nghĩ rằng khi đến được nước Anh, chính phủ sẽ hiểu và giúp đỡ hoàn cảnh của mẹ con cô, nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại.

Có đến 56% các em nhập cư bị bắt giữ ở Anh được trả về với cộng đồng của mình. Nhưng khi được trả tự do, các em này lại mắc các chứng trầm cảm, giảm cân, đái dầm và thậm chí có biểu hiện gây nguy hiểm cho chính bản thân mình.

Theo Hoàng Kim / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.