Nobel và những giai thoại ly kỳ

17/02/2015 19:49 GMT+7

(TN Xuân) Ít ai biết rằng giải thưởng Nobel danh giá tôn vinh các nhân vật xuất chúng của nhân loại lại ra đời do một sự nhầm lẫn từ báo chí Pháp.

(TN Xuân) Ít ai biết rằng giải thưởng Nobel danh giá tôn vinh các nhân vật xuất chúng của nhân loại lại ra đời do một sự nhầm lẫn từ báo chí Pháp.
 
Alfred Nobel thời trẻAlfred Nobel thời trẻ
Đến thăm Bảo tàng Nobel ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vào đầu tháng 11.2014, chúng tôi có dịp tiếp cận với bức di chúc viết tay của Alfred Nobel - triệu phú người Thụy Điển đã phát minh ra thuốc nổ và đóng góp cho nhân loại giải thưởng Nobel danh giá. Khá thú vị khi biết rằng di chúc của Alfred Nobel xuất hiện và tạo bước ngoặt trong lịch sử nhân loại chỉ vì một sự nhầm lẫn chết người của báo chí Pháp.
Từ “thương gia tử thần” đến giải Nobel
Số là năm 1888, khi anh trai của Alfred Nobel là Ludwig Nobel qua đời, một tờ báo Pháp đã nhầm tưởng người chết là ông - doanh nhân Thụy Điển nổi tiếng với tài sản kếch xù, đồng thời cũng là người sáng chế ra thuốc nổ. Bài báo gay gắt thông cáo cái chết của Alfred Nobel với cái tít Thương gia tử thần qua đời đã trở thành một cú sốc tinh thần với ông, lúc này vẫn đang sống rất bình thường. Nén nỗi buồn phiền, Nobel quyết tâm thay đổi câu chuyện số phận của mình trước khi quá muộn.
Một góc Bảo tàng Nobel ở Stockholm - Ảnh: V.AMột góc Bảo tàng Nobel ở Stockholm - Ảnh: V.A
Ngày 27.11.1895, Alfred Nobel tới một câu lạc bộ đồng thời là một quán bar mang tên Swedish Norwegian ở Paris (Pháp), bắt tay viết bản di chúc của mình và được 4 người bạn có mặt ở đó chứng thực. Trong hơn 4 trang giấy, ngoài những di nguyện cho người thân (Alfred Nobel không có con cái - PV) và các nhân viên của mình, ông muốn phần còn lại (hơn 90% tài sản - khi đó trị giá khoảng 31 triệu kronor) được đầu tư vào một quỹ cộng đồng với nguyên tắc: “Các khoản tiền được trao dưới hình thức giải thưởng hằng năm cho những ai đã có những đóng góp thiết thực cho nhân loại trong năm trước”. Cụ thể, tài sản của Alfred Nobel được những người có trách nhiệm điều hành đầu tư vào chứng khoán an toàn, tạo thành một quỹ đầu tư - Quỹ Nobel để phân bổ cho giải thưởng hằng năm. Giải Nobel được trao tại Thụy Điển và Na Uy cho các nhân vật xuất chúng không phân biệt quốc gia trong các lĩnh vực: vật lý, hóa học, y học, văn chương và đặc biệt là giải hòa bình dành cho “những người có đóng góp kết nối tình anh em giữa các quốc gia, bài trừ chiến tranh, thúc đẩy hòa bình”.
Sau khi Alfred Nobel qua đời vào năm 1896, trợ lý Ragnar Sohlman đã bắt tay vào thực hiện di nguyện của ông. Cho đến năm 1901, giải Nobel đầu tiên đã được trao tặng ở Thụy Điển và Na Uy. Từ năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển còn góp quỹ để trao thêm giải Nobel về kinh tế học. Cho đến nay, di chúc của Alfred Nobel vẫn còn được lưu giữ và trưng bày công khai ở Bảo tàng Nobel.
Cô Sofie HessCô Sofie Hess
Ly kỳ giai thoại Nobel và toán học
Dưới sự điều hành của Quỹ Nobel, cho tới nay tài sản để lại của Alfred Nobel đã sinh sôi nảy nở lên tới hơn 500 triệu USD. Những cá nhân hoặc nhóm không quá 3 người khi được trao giải Nobel đều nhận một huy chương bằng vàng thật, bằng chứng nhận và số tiền khoảng hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra từ lâu nay là tại sao Nobel lại không trao giải cho các thành tựu nghiên cứu trong lĩnh vực toán học?
Xung quanh câu hỏi này có vài giai thoại ly kỳ. Trong đó, giai thoại được nhiều người truyền miệng khắp nơi là người yêu của Nobel - cô Sofie Hess đã bỏ ông đi theo một nhà toán học danh tiếng khi có thai với người này (được cho là nhà toán học Thụy Điển Mittag-Leffler), do vậy Nobel cảm thấy bị xúc phạm và không muốn trao giải thưởng cho môn toán học. Rồi một giai thoại khác liên quan đến cô Sofia Kowalewska, nhà toán học người Nga mà sau này nhờ Mittag-Leffler vận động đã trở thành nữ giáo sư toán đầu tiên ở Trung và Bắc Âu. Theo đó thì Nobel rất ái mộ Kowalewska nhưng - cũng vì Mittag-Leffler - mà ông không lọt vào mắt xanh của cô. Từ đó Nobel đâm hận tất cả các nhà toán học và dĩ nhiên không chịu lập một giải thưởng cho môn này.
Bức thư của Albert Einstein và đôi giày vải của Kim Dae-jungBức thư của Albert Einstein và đôi giày vải của Kim Dae-jung
Trên thực tế thì không có bằng chứng xác thực nào chứng minh được hai giai thoại trên. Theo các tài liệu nghiên cứu được lưu giữ trong Bảo tàng Nobel thì trong cuộc đời của Alfred Nobel, có 3 người phụ nữ đặc biệt gắn bó với ông. Người đầu tiên là Alexandra - người đã từ chối lời cầu hôn của Nobel. Thư ký của Nobel - Bertha Kinsky là người phụ nữ thứ hai nhưng cô này đã quyết định cưới người yêu cũ của mình. Sau đám cưới, Kinsky và Nobel vẫn giữ quan hệ rất tốt. Người thứ ba, người phụ nữ đã có quan hệ với Nobel tới 14 năm qua thư từ là Sofie Hess. Đúng là Sofie Hess sau đó có thai và kết hôn với một người đàn ông khác, nhưng không liên quan tới bất cứ nhà toán học nào như lời đồn thổi. Kết thúc cuộc đời, Nobel không hề kết hôn với người phụ nữ nào cả.
Lý do mà Nobel không trao giải cho lĩnh vực toán học có lẽ vì ông chẳng mặn mà với môn này, hay rõ hơn là vì ông chỉ trao giải cho những bộ môn, lĩnh vực mà ông quan tâm. Vật lý và hóa học là hai bộ môn Nobel dành cả đời nghiên cứu rất nhiều, văn chương là sở thích của ông. Y học cũng là một ngành mà Nobel nhìn nhận sẽ giúp ích được nhiều cho thế giới sau này. Còn giải Nobel về hòa bình là do cô thư ký Kinsky đề xuất với ông, bởi lúc đó Nobel bị coi là người góp phần tạo ra chiến tranh ở khắp nơi (do bằng sáng chế về thuốc nổ của ông) và giải thưởng về hòa bình giúp làm thay đổi nhận thức của mọi người về ông.
Mở cửa đón khách vào năm 2001, Bảo tàng Nobel tọa lạc trong khu cổ trấn Gamla Stan là địa điểm thu hút nhiều du khách trên thế giới đến tham quan khi tới Stockholm. Ngoài các hiện vật, hình ảnh, tư liệu... sống động về cuộc đời, sự nghiệp của Alfred Nobel cùng lịch sử giải Nobel, bảo tàng còn lưu giữ những tư liệu, hiện vật quý của các nhân vật xuất chúng từng đoạt giải Nobel như: lá thư viết tay của thiên tài Albert Einstein (giải Nobel Vật lý năm 1921) gửi cho 2 con trai để chia tiền thưởng vào năm 1924; lá thư của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (giải Nobel Hòa bình năm 2000) gửi cho vợ khi ông bị cầm tù trong khoảng thời gian 1976-1979 cùng với chiếc giày vải do chính người vợ đan cho ông...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.