Những thông tin thú vị về giải Nobel

07/10/2019 16:39 GMT+7

Mùa giải Nobel năm 2019 bắt đầu từ hôm nay 7.10. Kể từ năm 1901, hệ thống giải thưởng Nobel được trao cho các cá nhân và tổ chức đạt được những thành tựu lớn lao phục vụ cho lợi ích của nhân loại, theo ý nguyện của ông Alfred Nobel.

Vào năm 1895, nhà hóa học người Thụy Điển Alfred Nobel, cha đẻ của thuốc nổ, đã lập di chúc để lại hầu như toàn bộ tài sản, theo thời giá hiện nay vào khoảng 148 triệu bảng Anh (4.323 tỉ đồng).
Ban đầu, tổng cộng có 5 hạng mục giải được công bố vào tuần thứ hai của tháng 10 hằng năm, bao gồm: y sinh, hóa học, vật lý, văn chương và hòa bình.
Đến năm 1968, ngân hàng trung ương Thụy Điển đóng góp để mở thêm giải dành cho kinh tế. Tất cả giải thưởng đều được trao tại Thụy Điển vào tháng 12, trừ giải Nobel Hòa bình ở Na Uy.
Giá trị giải thưởng năm nay là 9 triệu krona Thụy Điển (tương đương 21,16 tỉ đồng).

[VIDEO] Tổng thống Trump tin mình xứng đáng nhận giải Nobel

Những thông tin thú vị về giải Nobel

Không phải ai được đề cử cũng thành công, chẳng hạn nhà vật lý người Áo Lise Meitner (sau đó chuyển quốc tịch sang Thụy Điển) được đề cử tổng cộng 48 lần, nhưng vẫn vô duyên với giải thưởng.
Dù giá trị giải thưởng là 9 triệu krona, nhưng do đa số giải thưởng được trao cho từ 2 đến 3 người, mỗi người có thể chỉ nhận được 2,25 triệu krona.
Đối với một người, tấm huy chương vàng có thể mang đến khoản lợi nhuận hơn cả tiền mặt được trao. Vào năm 2014, nhà sinh học người Mỹ James Watson đã trở thành nhà đoạt giải Nobel đầu tiên bán đấu giá huy chương trong lúc còn sống.
Người mua là tỉ phú Alisher Usmanov, tỉ phú giàu nhất Nga với giá trị tài sản 13 tỉ USD (tính đến tháng 6.2019, theo Forbes), với giá 4,1 triệu USD. Sau khi mua, tỉ phú Nga tặng lại huy chương cho chủ nhân cũ của nó.
Một năm trước đó, gia đình nhà vật lý Francis Crick (người Anh), qua đời năm 2004, đã bán huy chương của người thân với giá 2,27 triệu USD.
Sau khi hoãn giải Nobel Văn chương hồi năm ngoái vì bê bối tấn công tình dục, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển quyết định trao hai giải trong năm nay.
Trước đó, giải này đã 7 lần bị hoãn, trong năm 1915, 1919, 1925, 1926, 1927, 1936 và 1949. Tất cả đều trao giải đúp vào năm sau.
Độ tuổi dễ "trúng" Nobel nhất là 63, và hơn 1/3 số người đoạt giải là dân Mỹ, theo báo The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.