Những thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất hơn 20 năm qua

25/04/2021 19:59 GMT+7

Nhiều tai nạn tàu ngầm thảm khốc đã xảy ra trên thế giới từ năm 2000, trong đó có nhiều thủy thủ mãi mãi nằm lại dưới lòng biển.

Giới chức Indonesia hôm nay 25.4 thông báo đã tìm thấy tàu ngầm KRI Nanggala 402 chở 53 người mất tích hôm 21.4 và xác định tất cả thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng, theo AFP.
Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono nói chưa rõ tình trạng của những người trên tàu nhưng qua những vật thể được tìm thấy, mỗi người có thể tự rút ra kết luận, theo AFP. Đây là một trong những tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng nhất trên thế giới trong khoảng 2 thập niên trở lại đây.

Những vật thể được cho là từ tàu ngầm KRI Nanggala 402

Reuters

Tàu ngầm Indonesia vỡ thành 3 phần, toàn bộ 53 thủy thủ thiệt mạng

Ngày 15.11.2017, tàu ngầm điện-diesel ARA San Juan của hải quân Argentina chở theo 44 người mất tích khi đang tuần tra tại vùng biển phía nam Đại Tây Dương. Sau nhiều ngày tìm kiếm, hải quân Argentina tuyên bố con tàu đã phát nổ do một sự cố cơ khí.
Một năm sau, công ty chuyên tìm kiếm tàu của Mỹ, do chính phủ Argentina thuê, thông báo tìm được phần còn lại của con tàu ở độ sâu 900 m, cách bờ biển vùng Patagonia của Argentina 400 km. 

Tàu ngầm ARA San Juan của Argentina

AFP

Ngày 16.4.2003, tàu ngầm điện-diesel Trường Thành 361 của hải quân Trung Quốc gặp sự cố trong lúc tham gia cuộc tập trận tại Hoàng Hải. Theo truyền thông, toàn bộ 70 người trên tàu bị chết ngạt do một sự cố khiến động cơ hút hết không khí. Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng tàu gặp các vấn đề về cơ khí.
Theo chuyên san The National Interest, con tàu bị trôi dạt nhiều ngày và được ngư dân Trung Quốc tìm thấy nhờ kính tiềm vọng nổi lên. Con tàu sau đó được kéo về cảng Du Lâm trên đảo Hải Nam. Hàng loạt quan chức cấp cao của hải quân Trung Quốc bị xử lý sau vụ việc, trong đó tư lệnh hải quân Thạch Vân Sinh bị cách chức.

Tàu ngầm Trường Thành 361 của Trung Quốc (khoanh đỏ)

Ảnh chụp màn hình The National Interest

Ngày 12.8.2000, hai vụ nổ xảy ra trên tàu ngầm động cơ hạt nhân K-141 Kursk của Nga, trong lúc con tàu đang tham gia cuộc tập trận phóng ngư lôi tại biển Barents tây bắc Nga. Hầu hết trong tổng số 118 người trên tàu thiệt mạng ngay sau 2 vụ nổ trừ 23 người ở các khoang 6-9 ở phần đuôi tàu.
Những lá thư do những người sống sót để lại cho thấy họ đã sống được thêm vài giờ, thậm chí là vài ngày cho đến khi hết ô xy. Ban đầu, Nga được cho là từ chối đề nghị hỗ trợ của Anh và Na Uy và chỉ chấp nhận vào vài ngày sau đó. Khi thợ lặn mở cửa sập thoát hiểm ở khoang 9, không còn ai sống sót bên trong.

Tàu ngầm K-141 Kursk của Nga

Reuters

Trong khi đó, trong 20 năm qua cũng xảy ra hai vụ tai nạn tàu ngầm đáng chú ý khác nhưng không khiến tàu bị chìm. Vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 8.11.2008 trong lúc tàu ngầm động cơ hạt nhân K-152 Nerpa của Nga đang thử nghiệm tại vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Theo AFP, hệ thông dập lửa trên tàu vô tình bị kích hoạt trong lúc thử nghiệm khiến 20 chuyên gia dân sự và lính thủy Nga thiệt mạng vì ngạt khí độc và nhiều người bị thương. Sau đó, tàu này được Ấn Độ thuê lại và biên chế vào năm 2012, đặt tên INS Chakra.

Tàu ngầm INS Chakra của Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ

Vụ thứ hai là vụ cháy tàu ngầm thám hiểm nước sâu Losharik chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga hồi tháng 7.2019. Vụ việc khiến 14 người thiệt mạng trong khi 5 người sống sót. Con tàu sau đó được đưa về cảng và được cho là vẫn đang trong quá trình sửa chữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.