Những start-up 'kỳ lân' trong cơn trắc trở

Thanh Lương
Thanh Lương
20/10/2019 15:00 GMT+7

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã mong đợi đợt IPO của Uber, Lyft hay WeWork sẽ biến các công ty này thành thế hệ “kỳ lân” mới, nhưng thực tế hoàn toàn không như họ nghĩ.

Lâu nay, “kỳ lân” là một danh xưng mà giới đầu tư gán cho các start-up thành công được định giá lên đến đơn vị tỉ USD. Thế nhưng, hiện nay không ít “kỳ lân” đang lao đao.
Giữa tháng 10.2019, Jia Yueting - nhà sáng lập Faraday Future, một công ty sản xuất ô tô điện nhiều tham vọng của Trung Quốc, đã nộp đơn xin phá sản và tuyên bố vẫn còn khoản nợ 3,6 tỉ USD. Trong hồ sơ xin phá sản, Jia thừa nhận kế hoạch IPO sắp tới của công ty có thể không huy động được số vốn như dự kiến càng khiến các nhà đầu tư lo lắng về tương lai của start-up này. Trước đây, sau khi giới thiệu dòng ô tô điện thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội, nhà sáng lập Jia từng tự tin rằng sẽ sớm biến Tesla của tỉ phú Elon Musk, hay Apple trở thành “lạc hậu” trước Faraday Future.
Một “bom xịt” khác là WeWork - start-up chia sẻ không gian làm việc đình đám bậc nhất nước Mỹ, cuối tháng 9 thông báo hoãn vô thời hạn kế hoạch IPO vì kết quả kinh doanh bết bát. Tài liệu IPO của doanh nghiệp này tiết lộ, chỉ nửa đầu năm 2019, công ty đã lỗ 1,37 tỉ USD khiến định giá cũng lao dốc từ 47 tỉ USD xuống còn
10 tỉ USD chỉ sau 6 tuần sau. Theo tờ Financial Times, WeWork có thể sẽ hết sạch tiền mặt vào cuối tháng 11 này nếu không được bơm thêm vốn. Mới đây, một trong các “nguồn lực” của WeWork là Quỹ Vision đưa ra lộ trình rót thêm hàng tỉ USD cho WeWork nhưng chưa đủ để thuyết phục giới đầu tư.
Trước IPO, Uber cũng là một “kỳ lân” rất được kỳ vọng khi có mức định giá đến 72 tỉ USD, nhưng đến nay giá trị công ty này trên sàn chỉ còn khoảng 54 tỉ USD. Lyft cũng lao đao không kém đối thủ của mình khi đã mất 3 tỉ USD, tức còn 12 tỉ USD ngay trong phiên giao dịch đầu tiên.
Trước sự sụp đổ của những cái tên dẫn đầu, một số công ty khởi nghiệp đình đám khác cho biết sẽ hoãn kế hoạch IPO. AirBnB thông báo sẽ dời lịch IPO sang năm 2020, trong khi Palantir Technologies, công ty khai thác dữ liệu, cho biết sẽ không IPO trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng bị nhấn chìm sau khi IPO, nếu được định giá cẩn trọng. Đơn cử như trường hợp Pinterest đã tăng 44% sau lần chào bán đầu tiên. Trong kinh doanh, IPO như phép thử soi rọi giá trị thật của một doanh nghiệp, đánh giá lại những lần định giá trước đó có chính xác không. Kết quả IPO không như mong muốn sẽ khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực ngay đến định giá doanh nghiệp và cơ hội gọi thêm nguồn vốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.