Những quân sư quyền lực của ông Tập Cận Bình cho thượng đỉnh G20

05/09/2016 15:51 GMT+7

Trung Quốc cần một bộ sậu những chuyên gia giúp việc cho Chủ tịch Tập Cận Bình để “đối phó” với các tình huống liên quan đến G20. South China Morning Post điểm danh những quân sư quyền lực của ông Tập cho sự kiện này.

Hội nghị thượng đỉnh G20 mang lại cho Trung Quốc cơ hội khẳng định tên tuổi và tiếng nói trên trường quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng mọi động thái từ chuyện đón tiếp các nguyên thủ ở sân bay cho đến việc thể hiện quan điểm chính trị và chính sách kinh tế. Cả chuyện ứng xử với các nguyên thủ bên lề G20 cũng được Bắc Kinh tính toán.
Để có những sách lược này, Trung Quốc cần một bộ sậu những chuyên gia giúp việc cho Chủ tịch Tập Cận Bình. South China Morning Post điểm danh những quân sư quyền lực của ông Tập đặc biệt cho G20.
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị AFP
Ngoại trưởng Vương Nghị đại diện cho “bộ mặt lạnh lùng” của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. Ông từng giữ vị trí đại sứ Trung Quốc ở Nhật, giám đốc Hội đồng nhà nước phụ trách những vấn đề về Đài Loan. Ông Vương Nghị có quan điểm cứng rắn không thua kém ông Tập Cận Bình trong quan hệ đối ngoại, nhất là vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Vương Hồ Ninh, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương
Ông Vương Hồ Ninh (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình Chinatimes
Là người đứng đầu văn phòng nghiên cứu hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Hồ Ninh vừa là cố vấn chính sách quốc gia vừa là người viết bài phát biểu cho nguyên thủ, đặc biệt là ông Tập Cận Bình. Ông này luôn được nhìn thấy trong gần như tất cả các chuyến đi bất kể trong nước hay nước ngoài của ông Tập Cận Bình. Ông Vương Hồ Ninh rất được giới lãnh đạo Trung Quốc, kể cả cấp trên của ông, nể trọng vì sự uyên bác của mình. Tuy nhiên, ông lại là người rất thận trọng và có quan điểm trung lập về chính trị.
Từ Thiệu Sử, Giám đốc Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia
Ông Từ Thiệu Sử Xinhua
Là nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, ông Từ Thiệu Sử giám sát Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia - thường được gọi là "Hội đồng Nhà nước nhỏ". Qua hơn ba thập kỷ cải cách kinh tế thị trường của Trung Quốc, uỷ ban này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách của tất cả các ngành công nghiệp lớn và phê duyệt những dự án dùng ngân sách nhà nước trị giá hàng tỉ nhân dân tệ, từ sân bay đến với đường sắt và nhà máy sản xuất xe hơi.
Ông Lưu Hạt, chuyên gia kinh tế
Ông Lưu Hạt SCMP
Ông Lưu Hạt là phụ tá hàng đầu của ông Tập Cận Bình về những vấn đề kinh tế và tài chính. Ông được nhiều người tin là "có thẩm quyền" bí ẩn từng được tờ Nhân dân nhật báo trích dẫn hồi tháng 5.2016 trong một bài báo nghi ngờ đối với "chính sách theo đuổi" của Hội đồng Nhà nước dưới quyền của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Uông Dương, Phó Thủ tướng
Ông Uông Dương Reuters
Ông Uông Dương là một trong ba phó thủ tướng của Hội đồng Nhà nước, với trách nhiệm quản lý khu vực doanh nghiệp và thương mại, du lịch và nông nghiệp. Ông đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung -Mỹ, thường xuyên liên lạc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew để trao đổi thông tin về các vấn đề chính sách và kinh tế. Ông này được nói đã chia sẻ nhiệm vụ này cho ông Lưu Hạt.
Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước
Ông Chu Tiểu Xuyên Bloomberg
Ông Chu Tiểu Xuyên có trách nhiệm lập và thực hiện các chính sách tiền tệ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Ông được cho là “kiến trúc sư” trưởng của hầu hết các thay đổi trong chính sách mà Trung Quốc đã từng thực hiện đối với hệ thống tài chính của mình, từ việc định hình lại ngân hàng quốc doanh đến thiết lập thị trường trái phiếu để tạo điều kiện cho việc đưa nhân dân tệ phát triển khắp thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.