Những người trẻ giải cứu cá tuyết

09/07/2017 07:06 GMT+7

Các nhà khoa học trẻ đang nỗ lực đưa loài cá tuyết Đại Tây Dương quay lại vùng biển phía đông Canada sau thời gian dài gần như biến mất.

Trong các phòng thí nghiệm tại nhiều viện nghiên cứu ở tỉnh bang Newfoundland và Labrador, cực đông của Canada, những nhà khoa học trẻ măng dán mắt vào kính hiển vi và màn hình máy tính trong lúc chờ đồng nghiệp mang mẫu vật từ thực địa về. Tất cả đang tất bật làm việc để xua đi nỗi ảm đạm đã bao trùm các ngư trường trong khu vực hơn 2 thập niên qua.
Giải cứu cá


Cá tuyết Đại Tây Dương là một trong những loại thực phẩm được ưa chuộng nhất của các nước phương Tây, có mặt trong hầu hết thực đơn truyền thống tại Anh, Mỹ, Canada và các quốc gia Bắc Âu. Giá bán lẻ fillet tại Anh hiện khoảng 12 bảng/kg (khoảng
350.000 đồng/kg), theo trang Fishmarketportsmouth. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân tự nhiên vẫn chưa được làm rõ, tình trạng khai thác quá mức và thiếu bền vững trong hàng trăm năm qua đã khiến số lượng cá tuyết Đại Tây Dương sụt giảm mạnh. Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn WWF xếp loài này vào diện bị đe dọa và hiện đang có phong trào kêu gọi người tiêu dùng “có trách nhiệm” không ăn cá tuyết.

Vào năm 1992, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Đại dương Canada (DFO) John Crosbie tuyên bố cấm đánh bắt cá tuyết Đại Tây Dương, dân địa phương gọi là cá tuyết phương bắc, ở Newfoundland để bảo tồn số lượng ít ỏi còn lại. Đây là lần đầu tiên ngư trường bị đóng cửa trong suốt 500 năm hoạt động sau khi kết quả khảo sát cho thấy cá tuyết bỗng nhiên biến mất trong vùng biển khu vực. Số lượng khai thác hằng năm từ trên dưới 300.000 tấn rơi xuống con số 0 tròn trĩnh. Không ai có thể ngờ rằng lệnh cấm khai thác kéo dài đến nay đã là 25 năm, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế địa phương, và không biết đến bao giờ mới được dỡ bỏ. Lý do là vẫn chưa thể lý giải rõ ràng tại sao cá tuyết biến mất và sự tăng nhẹ số lượng gần đây có bền vững hay không. Tuy nhiên, hy vọng dần hiện lên với các ngư trường địa phương nhờ vào nỗ lực của một thế hệ các nhà khoa học trẻ đầy sáng tạo, theo Hãng tin The Canadian Press.
Tại Trung tâm khoa học biển thuộc Đại học Memorial, 3 nữ khoa học gia Emma Cooke, Evelyn MacRobert và Emilie Geissinger, người lớn nhất chỉ mới 25 tuổi, đang tìm cách trả lời một câu hỏi ám ảnh từ lâu: Tại sao cá tuyết không quay lại sớm hơn dù lệnh cấm đánh bắt đã tồn tại 1/4 thế kỷ? Là những chuyên gia trẻ lớn lên trong bối cảnh thế giới bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, quan tâm hàng đầu của họ là tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề sát sườn về môi trường và sinh kế của người dân địa phương. Bằng cách sử dụng công cụ mới và khối lượng dữ liệu thu thập được trong nhiều năm, họ đang cố gắng tìm câu trả lời cho tương lai của các vùng biển phía đông Canada.
Hy vọng từ sức trẻ
Theo The Canadian Press, sau nhiều năm liên tục bị cắt ngân sách, hoạt động nghiên cứu ngư nghiệp và biển cả tại Canada bắt đầu có tín hiệu khởi sắc sau khi chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau quyết định chi gần 200 triệu CAD (hơn 3.500 tỉ đồng) cho những dự án nghiên cứu mới của DFO. Đồng thời, Viện Biên giới đại dương cũng được thiết lập với mục tiêu tạo ra cơ sở nghiên cứu thống nhất về khoa học biển.
Kết quả là Newfoundland và Labrador chứng kiến một làn sóng mới các nhà khoa học trẻ đổ xô đến tham gia nỗ lực giải cứu cá tuyết. “Khu vực đã xuất hiện một thế hệ các nhà nghiên cứu mới”, Đài CBC dẫn lời chuyên gia Nicolas Le Corre, 34 tuổi, hào hứng nói. Anh đang cộng tác với nhóm 3 cô gái ở Đại học Memorial cũng như các chuyên gia từ DFO trong chương trình nghiên cứu cá tuyết. Trước đó, Le Corre tạo được tiếng vang trong giới nhờ phương pháp đột phá để tìm hiểu ấu trùng tôm dạt đi đâu dưới tác động của các dòng hải lưu. Các nhà khoa học góp phần vào quy hoạch bền vững cho ngành đánh bắt tôm của Newfoundland và Labrador, mang về doanh thu hơn 332 triệu CAD vào năm 2016.
Với sự hỗ trợ của Le Corre, nhóm “3 chữ E”, như cách gọi trìu mến của thầy cô và đồng nghiệp ở Trường Memorial, phát hiện dữ liệu của DFO về cá tuyết cũng tương tự như đối với tôm: chưa rõ chuyện gì xảy ra với những cá thể cực nhỏ. Thế là MacRobert dùng thiết bị quay dưới nước để ghi nhận hoạt động của cá tuyết vào năm đầu đời. Cooke thu thập dữ liệu về cá tuyết sơ sinh và liên kết với hồ sơ của DFO về cá lớn, trong khi Gesseigner phân tích các yếu tố như nhiệt độ và hải lưu trong khu vực tác động như thế nào đối với năng lực sinh tồn của cá nhỏ. Mục tiêu cuối cùng là cung cấp một mô hình sinh thái học sử dụng các điều kiện tự nhiên để dự đoán khả năng sống sót của cá con.
Dù vẫn chưa tiến được tới đích cuối cùng, nhưng với những tiến triển khả quan, bộ ba lạc quan rằng họ sẽ tìm ra câu trả lời để khôi phục lại những ngư trường phồn thịnh như xưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.