Những lời để lại của ông Kofi Annan

12/12/2006 23:25 GMT+7

Ông Kofi Annan vừa có bài phát biểu cuối cùng trước khi rời cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ). Dịp này, nhà lãnh đạo 68 tuổi đến từ Ghana đã dành khá nhiều thời gian để phê phán chính sách của Mỹ.

Trong 10 năm qua, "triều đại" của ông Kofi Annan trải qua khá nhiều sóng gió. Tình hình thế giới có nhiều biến động, với sự kiện Mỹ tấn công Afghanistan, Iraq, các cuộc khủng hoảng hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên và Iran. Tình hình khủng bố trên thế giới cũng ngày một nghiêm trọng. Bên cạnh vụ 11.9.2001, thế giới còn chứng kiến hàng loạt sự kiện đẫm máu khác như vụ đánh bom ở đảo Bali (Indonesia) năm 2002, vụ đánh bom hệ thống tàu điện tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004, vụ khủng hoảng con tin tại Beslan (Nga) năm 2004, vụ đánh bom tại London (Anh) vào năm ngoái... Bất chấp các nỗ lực quốc tế, nhiều mâu thuẫn lớn trên thế giới vẫn chưa được giải quyết, trong đó có mâu thuẫn giữa Israel và thế giới Ả Rập. Tình hình thiên tai, dịch bệnh cũng xảy ra liên tục, trong đó đáng chú ý nhất là dịch SARS và cúm gia cầm, thảm họa sóng thần cuối năm 2004 ở Ấn Độ Dương.

Trong khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp thì ngay trong lòng LHQ cũng không ngừng dậy sóng. Trước hết phải kể đến vụ bê bối tình dục của ông Ruud Lubbers, người giữ cương vị Cao ủy phụ trách vấn đề tị nạn từ năm 2001 đến 2005. Năm 2004, ông Lubbers bị cáo buộc quấy rối tình dục và lạm quyền. Tổng thư ký Annan đã đích thân lên tiếng bảo vệ Lubbers nhưng cuối cùng thì Ủy ban Giám sát nội bộ của LHQ lại báo cáo rằng ngài Cao ủy thực sự đã có hành động sai quấy. Vụ bê bối này là một đòn khá nặng giáng vào uy tín ông Annan. Tiếp sau đó là vụ phanh phui các hành vi tiêu cực trong chương trình Đổi dầu lấy lương thực mà LHQ áp dụng đối với Iraq.

Trong thời gian làm Tổng thư ký LHQ, ông Annan cũng có một mối quan hệ khá trục trặc với Mỹ dù trước đây người ta từng nghi ngờ ông là đồng minh của Washington. Trong nhiều trường hợp, LHQ của ngài Annan đã tỏ ra khá thụ động trước Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trước khi ra đi, ông Annan cũng chưa thực hiện được gì nhiều trong kế hoạch cải tổ LHQ.

Trong bài diễn văn cuối cùng hôm 11.12, Tổng thư ký Annan đã khái quát nhiều vấn đề của thế giới hiện nay như khủng bố, nhân quyền, vũ khí hạt nhân, đói nghèo, bệnh tật... Đáng chú ý là ông Annan đã phê phán chính sách của Tổng thống Mỹ G.Bush khá gay gắt. Ông nói rằng: "Không quốc gia nào có thể bảo vệ an ninh cho mình bằng cách thể hiện uy quyền tối cao đối với quốc gia khác". Ông kêu gọi Mỹ tôn trọng nhân quyền trong cuộc chiến chống khủng bố và một lần nữa phê phán cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq. Ngài Annan cũng hối thúc việc cải tổ LHQ khi nói rằng cơ cấu thành viên hiện tại "chỉ phản ánh thế giới của năm 1945".

Những lời mà ông Annan để lại cũng như lớp lớp những vấn đề chưa được giải quyết cho thấy trong thời gian tới, ông Ban Ki-moon sẽ còn gặp rất nhiều thách thức khi kế nhiệm chiếc ghế Tổng thư ký từ ông Annan.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.