Những điểm nóng tiềm ẩn trong năm 2017

08/01/2017 09:00 GMT+7

Căng thẳng âm ỉ và thay đổi địa chính trị bất ngờ có thể khiến xung đột bùng nổ tại một số “chảo lửa” trên thế giới trong năm 2017.

Tây Thái Bình Dương
Theo chuyên trang The National Interest, tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama từng cảnh báo với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng phép thử lớn đầu tiên đối với chính quyền mới sẽ là chính sách về Triều Tiên.
Ông Trump nhậm chức trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tuyên bố phát triển năng lực hạt nhân lẫn loại tên lửa đạn đạo được cho là có khả năng vươn tới Mỹ cũng như đặt toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản trong tầm ngắm. Trong khi đó, Hàn Quốc lại đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn liên quan đến Tổng thống bị đình chỉ Park Geun-hye và có khả năng miền Bắc sẽ tận dụng cơ hội để có hành động bất ngờ.
The National Interest dẫn lời chuyên gia Robert Farley thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) cho rằng xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng phát theo nhiều cách. Cụ thể là trong trường hợp Mỹ quyết định tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng hoặc Triều Tiên hiểu lầm rằng Mỹ đang cố can thiệp nên ra tay trước… Cũng như thời Chiến tranh Triều Tiên hồi thập niên 1950, xung đột trên bán đảo chắc chắn sẽ kéo theo Trung Quốc, Nga và thậm chí Nhật Bản vào cuộc.
Trong khi đó, giới quan sát tin rằng ít có khả năng xảy ra xung đột lớn liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển khu vực. Tuy nhiên sẽ có những giai đoạn căng thẳng leo thang trên Biển Đông hoặc Hoa Đông liên quan đến vấn đề Đài Loan, các hành động quân sự hóa tranh chấp cũng như cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Với tình hình như vậy, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

tin liên quan

Tên lửa của Triều Tiên có ‘ám ảnh’ ông Trump?
Triều Tiên nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ sẽ là thách thức lớn về chính sách ngoại giao và “nỗi ám ảnh” đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Vùng Baltic
Nhiều chuyên gia cảnh báo phép thử lớn nhất cho an ninh thế giới trong năm 2017 nằm ở khu vực Baltic, “chiến địa” cạnh tranh dữ dội nhất hiện nay giữa Nga và phương Tây.
Moscow liên tục tăng cường năng lực quân sự tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại nằm giữa Ba Lan và Lithunia. Ở phía bên kia, Mỹ vừa chuyển hàng trăm xe tăng, xe tải và thiết bị quân sự đến Đức để chuẩn bị đưa đến các nước ở Đông Âu, sát sườn Nga, theo Đài RT. Ngoài ra, khoảng 50 trực thăng Black Hawk, 10 trực thăng CH-47 Chinook, 24 trực thăng Apache dự kiến cũng sẽ được triển khai tới Đông Âu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tỏ dấu hiệu sẽ cải thiện quan hệ với Nga nhưng đồng thời giảm nhẹ cam kết bảo đảm an ninh với các đồng minh NATO và EU. Điều này sẽ khiến các nước châu Âu càng trở nên bất an, tự mình tăng cường quân sự và nguy cơ tính toán sai lầm vẫn hiển hiện.
Khu vực Nam Á
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan có phần leo thang từ cuối năm 2016 với các đợt giao tranh liên tục tại vùng giới tuyến thuộc khu vực tranh chấp Kashmir. Ngày 7.1, Hãng thông tấn PTI đưa tin Pakistan đã trình tân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một tài liệu cáo buộc tình báo Ấn Độ “can thiệp” vào nước này, đồng thời yêu cầu Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trong việc “kiềm chế” New Delhi.
Ngoài ra, còn phải kể đến vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân này. Đến nay, Tổng thống đắc cử Trump cho thấy ông có thể sẽ tiếp tục chính sách của những người tiền nhiệm để củng cố quan hệ với Ấn Độ. Tuy nhiên ông cũng đã có cuộc điện đàm được mô tả là “rất hay và hữu ích” với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif hồi đầu tháng 12. Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng dường như muốn đóng vai trò hòa giải giữa hai quốc gia Nam Á và điều này khiến Ấn Độ không hài lòng.
Theo The National Interest, một số chiến lược gia tại New Delhi lo ngại Islamabad có thể dựa trên thái độ của Washington để tăng cường hoạt động quân sự tại Kashmir.
Cũng trong tháng 12, Ấn Độ tuyên bố phóng thử thành công lần thứ tư tên lửa liên lục địa Agni-V. Với tầm bắn khoảng 5.000 km, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân này có thể uy hiếp Pakistan và vươn tới tận Bắc Kinh. Sau đó, Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận tuyên bố nếu Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc không phản đối Ấn Độ phát triển Agni-V thì “tầm bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Paskistan cũng sẽ tăng lên”. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể hỗ trợ Pakistan phát triển năng lực hạt nhân để ứng phó Ấn Độ.
Syria
Hàng loạt thắng lợi gần đây của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự hỗ trợ của Nga đang khiến cuộc chiến bước sang giai đoạn mới. Phương Tây dường như đã chấp nhận thế “dưới cơ” khi từ chối can thiệp vào tình hình thành phố Aleppo và thay vào đó tập trung lực lượng tại Iraq để chống tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chính quyền của Tổng thống Obama lâu nay phản đối khá yếu ớt việc Nga đưa quân đến Syria nên ông Trump càng không có lý do để gia tăng đối đầu.
Tuy nhiên tình hình Syria vẫn còn rất bất ổn và khó lường với nhiều nhóm vũ trang vẫn chưa chịu thúc thủ trong khi IS có thể điên cuồng vùng vẫy sau những thất bại liên tiếp trong năm 2016. Mặt khác, liên quân do Mỹ dẫn đầu và lực lượng Nga vẫn tiếp tục hoạt động gần nhau, dễ dẫn đến những pha chạm trán ngoài ý muốn.
Đơn cử như cuộc không kích “nhầm” của quân Mỹ ở tỉnh Deir al-Zour thuộc miền đông Syria hồi tháng 9 khiến 62 lính Syria thiệt mạng và ảnh hưởng nặng nề khả năng hợp tác giữa Nga và Mỹ ở Syria. Viễn cảnh tương tự đều có thể khiến hai bên xô đẩy nhau vào một cuộc trả đũa qua lại.
Chiến trường mạng
Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện vẫn chưa bước vào tình trạng chiến tranh mạng nhưng căng thẳng trên chiến trường ảo vẫn rất nóng bỏng. Hôm qua, giới tình báo Mỹ vẫn khăng khăng cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng nhằm ảnh hưởng đến kết quả kỳ bầu cử tổng thống theo hướng có lợi cho ông Trump.
CNN dẫn báo cáo công bố ngày 7.1 thậm chí chỉ đích danh Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch nhưng vẫn không đưa ra bằng chứng cụ thể nào. Cùng ngày, sau cuộc gặp với giới lãnh đạo tình báo quốc gia, Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục khẳng định các cuộc tấn công mạng “tuyệt đối không tác động tới kết quả cuộc bầu cử”. Tuy nhiên ông đã lần đầu tiên thừa nhận: “Nga và Trung Quốc cùng một số quốc gia khác và nhiều nhóm bên ngoài luôn cố xâm nhập cơ sở hạ tầng mạng của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức” của Mỹ, theo AFP.
Trong khi đó, tin tặc Trung Quốc lâu nay vẫn luôn bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ tấn công cấp tập nhằm đánh cắp bí mật quân sự và kinh doanh từ các tổ chức, công ty Mỹ dù Bắc Kinh phủ nhận mọi dính líu. The National Interest dẫn lời giới quan sát cho rằng chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ trả đũa mạnh tay hơn đối với các vụ tấn công, nhất là với Trung Quốc, và có thể dẫn đến nguy cơ nổ ra chiến tranh mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.