Những cuộc hành trình khám phá bí ẩn của trái đất

13/01/2019 21:00 GMT+7

Năm 2019 được mong chờ sẽ mang đến những cơ hội giải mã một số bí ẩn lớn nhất của địa cầu, thông qua các dự án, sứ mệnh thám hiểm đầy táo bạo ở những nơi chốn không ngờ đến.

Khám phá sông băng kinh hoàng

Khi hè đến, một đoàn thám hiểm với hơn 100 nhà khoa học trên toàn thế giới sẽ trực chỉ sông băng Thwaites ở Tây Nam Cực, theo một phần của dự án 25 triệu USD do Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) hợp tác thực hiện với Hội đồng Nghiên cứu môi trường tự nhiên Anh (NERC). Sông băng Thwaites được xem là “hung thần” ở Nam Cực do tình trạng bất ổn của nó trong thời gian qua, sản sinh ngày càng nhiều tảng băng trôi với tốc độ chóng mặt và góp phần làm nước biển dâng cao. Dự án trên đặc biệt quan trọng vì cung cấp những dữ liệu thiết yếu để các chuyên gia có thể đo đạc được tốc độ thay đổi băng khối và mức độ băng tan, từ đó dự đoán được sự thay đổi của mực nước biển.

Khoan xuống cội nguồn địa chấn

Ngoài khơi bờ tây nam của Nhật Bản, nằm sâu bên dưới Thái Bình Dương là bồn trũng Nam Hải, nơi một đĩa kiến tạo của vỏ trái đất đang trượt bên dưới đĩa khác (gọi là đới hút chìm). Đây cũng là “hung thủ” phải chịu trách nhiệm cho trận động đất 8,1 độ Richter gây chấn động Nhật Bản vào năm 1944. Trong năm nay, nhóm chuyên gia quốc tế bắt đầu khoan vào đứt gãy nguy hiểm để triển khai NanTroSEIZE, dự án đầu tiên về thể loại này. Mẫu vật thu thập được sẽ đưa vào phân tích nhằm đánh giá tính chất cũng như đặc điểm của chúng, cho phép các nhà nghiên cứu hiểu thêm về nguy cơ xuất hiện địa chấn tại các đứt gãy tương tự.

Khoan xuống vùng hồ bị chôn vùi

Những cuộc hành trình khám phá bí ẩn của trái đất1
Các chuyên gia đang chuẩn bị máy khoan trên thềm băng Nam Cực Ảnh: SALSA
Vào đầu năm mới, các nhà khoa học cuối cùng đã chạm đến vùng hồ bí ẩn nằm bên dưới thảm băng Tây Nam Cực ở độ sâu khoảng 1.200 m. Được gọi là hồ Mercer, nó có diện tích khoảng 160 km2 và hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của thế giới trong nhiều ngàn năm. Các nhà nghiên cứu đang hồi hộp chờ đón cơ hội thám hiểm vùng hồ đặc biệt và tìm hiểu thêm về cộng đồng sinh vật đang cư ngụ tại đây, nếu có. Phải mất 4 ngày mũi khoan mới chạm đến hồ Mercer. Đội ngũ gồm 45 chuyên gia, kỹ thuật viên quốc tế bắt đầu thả xuống thiết bị đo đạc và kế đến là phương tiện điều khiển từ xa để ghi hình lại cảnh tượng mà lâu nay chưa từng được khám phá.

Nghiên cứu thế giới ngầm bí ẩn

Trong 10 năm qua, các nhà khoa học thuộc Đài quan sát Carbon Ngầm luôn bền bỉ khoan sâu vào lòng đất để tìm hiểu cái gì đã bị chôn vùi bên dưới lớp vỏ của địa cầu. Vào tháng 12, họ tuyên bố phát hiện mới về “sinh quyển sâu”, chỉ một thế giới ngầm chứa chấp những sinh vật chưa từng được phân loại với số lượng vượt xa sự sống đang hiện diện trên bề mặt hành tinh. Đến tháng 10 năm nay, tại hội nghị quốc tế ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ), các nhà nghiên cứu sẽ tiết lộ những thông tin liên quan đến đặc điểm của lõi trái đất, tính chất của chu kỳ carbon và tác động của nó trong lịch sử địa cầu, cũng như cơ chế chi phối sự tiến hóa và phát tán của các sinh vật nằm sâu trong lòng trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.