Những chiến dịch bí mật của Thổ Nhĩ Kỳ thời Chiến tranh lạnh

05/01/2016 07:58 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những trận địa hàng đầu của NATO trong nỗ lực thu thập thông tin tình báo từ Liên Xô và Đông Âu thời Chiến tranh lạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những trận địa hàng đầu của NATO trong nỗ lực thu thập thông tin tình báo từ Liên Xô và Đông Âu thời Chiến tranh lạnh.

Hoạt động quân sự của Khối Warsaw là mục tiêu thu thập thông tin tình báo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: CNNHoạt động quân sự của Khối Warsaw là mục tiêu thu thập thông tin tình báo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: CNN
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã can dự đáng kể vào Syria kể từ khi nổ ra làn sóng biểu tình và nổi dậy Mùa xuân Ả Rập hồi năm 2011. Sau khi các tiêm kích cơ F-16 bắn hạ oanh tạc chiến đấu cơ Su-24 trên không phận khu vực tập trung các nhóm người Turkmen chống Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 11.2015, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ngầm xác nhận sự hậu thuẫn bí mật của Ankara cho các tay súng chống Damascus bằng tuyên bố “bất kỳ ai oanh tạc khu vực đó là tấn công các anh em người Turkmen của chúng ta”.
Hiềm khích lịch sử
Sự can dự của Thổ đã tạo ra rủi ro bị cô lập về ngoại giao từ cả các đồng minh truyền thống lẫn những nước láng giềng. Đáng lo hơn là nó có thể dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ phải đối phó với những vấn đề như vậy.
Trong bài viết đăng trên trang War On The Rocks mới đây, ông Egemen Bezci, chuyên gia nghiên cứu lịch sử tại Đại học Nottingham (Anh), dẫn các tài liệu được giải mật trong hồ sơ lưu trữ của phương Tây cũng như của Bulgaria cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tiến hành nhiều chiến dịch bí mật tại các quốc gia láng giềng.
Theo các tài liệu trên, vào thập niên 1950, Bulgaria, nước láng giềng phía tây bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, là mục tiêu nổi trội đối với tình báo Thổ và là khu vực mà các bạn bè phương Tây của Ankara quan tâm đáng kể. Tình trạng thù địch giữa Thổ và Bulgaria bắt nguồn từ hơn nửa thế kỷ trước đó. Sau khi Bulgaria chính thức giành độc lập từ tay đế chế Ottoman vào năm 1878, cộng đồng người Thổ thiểu số bắt đầu di dân sang bán đảo Anatolia (Tiểu Á). Sự tụt giảm dân số Thổ đạt đỉnh điểm trong các cuộc chiến tranh Balkan thứ nhất và thứ hai từ năm 1912-1913, khi Liên đoàn Balkan do Bulgaria chỉ huy đã gây chiến với đế quốc Ottoman để chiếm lãnh thổ còn lại tại khu vực này. Hậu quả là hàng trăm ngàn người Thổ ở Bulgaria di cư sang Anatolia.
Hiềm khích giữa hai nước tiếp tục kéo dài sau khi Bulgaria gia nhập Hiệp ước Tam cường vào năm 1941 để đứng về phe Trục trong Thế chiến thứ hai, một động thái đưa lực lượng Đức Quốc xã đến ngưỡng cửa Thổ. Tuy nhiên, Thổ chỉ xem Bulgaria là mối đe dọa đáng kể khi nước này liên minh với Liên Xô và những người cộng sản lên cầm quyền vào năm 1947.
Cho rằng cộng đồng người Thổ thiểu số còn sót lại bị ngược đãi và sự tăng cường quân sự của Bulgaria là những lý do khiến Thổ đặt nước láng giềng này thành tâm điểm chú ý trong thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh. Trong 2 năm 1950 - 1951, chính phủ Bulgaria đã nới lỏng các hạn chế di dân đối với cộng đồng người Thổ thiểu số. Kết quả là gần 1/4 triệu người Thổ rời Bulgaria về cố quốc.
Cũng trong thời gian này, NATO quyết định đưa Thổ và Hy Lạp vào kế hoạch quân sự nhằm bảo vệ Địa Trung Hải. Dù 2 nước này chỉ trở thành thành viên NATO một năm sau đó, cả hai nước đã đăng cai các sứ mệnh huấn luyện quân sự của Mỹ. Một văn bản được soạn thảo vào tháng 2.1951 được đăng tải trên website nato.in cho thấy Ủy ban An ninh NATO, vốn đảm trách bảo vệ liên minh khỏi nguy cơ phá hoại, đã lo ngại việc các điệp viên cộng sản có thể trà trộn vào những người di cư Thổ trở về từ Bulgaria. Tuy nhiên, như Cơ quan An ninh Anh (MI5) đã thông báo cho NATO trước đó, nguy cơ xâm nhập của những người cộng sản từ Bulgaria đã được Cơ quan An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MAH) “xử lý tốt”.
Tên lửa hạt nhân R-12 của Liên Xô những năm 1959 - 1962, mục tiêu thu thập thông tin của tình báo Mỹ và NATO - Ảnh: Wikipedia

Sứ mệnh bí mật
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952 với tư cách thành viên đầy đủ, Cơ quan Tình báo quân sự G-2 của Thổ và MAH đã đồng bộ hóa mục tiêu và chính sách cho phù hợp với các yêu cầu của NATO. Dù cần nhiều sự hỗ trợ về kỹ thuật tình báo của NATO, người Thổ vẫn có nỗ lực riêng.
Theo chuyên gia Bezci, cơ quan tình báo Thổ đã theo đuổi các chiến dịch riêng chống khối XHCN. Hồ sơ lưu trữ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Ankara bắt đầu tập trung nguồn lực tình báo vào chương trình hạt nhân và hoạt động sản xuất uranium của Liên Xô. Vào giữa thập niên 1950, thông qua những điệp viên tuyển dụng từ người Thổ di cư từ Bulgaria, MAH có thể khám phá quá trình vận chuyển uranium từ mỏ Buhova của Bulgaria đến Liên Xô để làm giàu, và đã chuyển thông tin này cho NATO.
Đến năm 1960, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây muốn khám phá thông tin chi tiết về các hệ thống tên lửa gần khu vực Ludogorie ở đông bắc Bulgaria. NATO biết có sự hiện diện của hệ thống này, nhưng người Bulgaria cũng đã xây dựng các bệ tên lửa giả để đánh lạc hướng. NATO đã yêu cầu Thổ giúp vẽ chi tiết vị trí của những hệ thống trên. Lần này, MAH cũng tuyển mộ một nhóm người di cư xâm nhập trở lại Bulgaria để họ thu thập thông tin. Sứ mệnh bí mật được tiến hành trót lọt, và những thông tin thu thập được đã đến tay Ủy ban Tình báo của NATO thông qua G-2.
Các nỗ lực của Ankara ở Bulgaria cũng đã mở rộng từ thu thập thông tin tình báo sang hoạt động bí mật. Hồ sơ giải mật của Cơ quan Lưu trữ quốc gia Anh đã hé lộ một hành động như thế của Thổ do phái bộ Anh ở Sofia ghi nhận. Năm 1956, chỉ huy khu vực của MAH, thiếu tá Kamil Bey, đóng tại thành phố vùng biên Kırklareli, đã tuyển dụng một nhóm người di cư từ Bulgaria tham gia các hoạt động phá hoại ở nước này, bao gồm các mục tiêu quân sự và kinh tế. Những người này được cấp tiền mặt, thiết bị truyền phát được mã hóa, vũ khí và các tài liệu giả. Chi tiết về những mục tiêu và kết quả của các sứ mệnh cho đến nay vẫn chưa được công bố, theo War On The Rocks.
Theo đánh giá của chuyên gia Bezci, trong thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đồng bộ với NATO và các chiến dịch bí mật cũng theo đường hướng này. Tuy nhiên, đối với vấn đề Syria hiện tại, các chính sách của Ankara lại không hài hòa với các đồng minh phương Tây truyền thống. Hành động bí mật, chẳng hạn như tuồn vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Syria, là trụ cột chính của Thổ trong các chính sách về Trung Đông, thường bao gồm rủi ro. Hậu quả là Ankara bị các đồng minh phương Tây nghi ngờ và đang lâm vào thế ngày càng bị cô lập trong các nỗ lực của nước này ở Syria.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.