Những cái chết bí ẩn trong đồn cảnh sát Malaysia

10/04/2019 15:00 GMT+7

Chính phủ Malaysia quyết tâm điều tra và ngăn chặn tình trạng nghi phạm tử vong bất thường khi bị tạm giam trong đồn cảnh sát.

Tờ The Star (Malaysia) dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ nước này Muhyiddin Yassin khẳng định chính phủ sẽ sớm cho ra đời Ủy ban Độc lập điều tra sai phạm trong ngành cảnh sát (IPCMC).
Đây là một trong những cam kết của chính phủ Thủ tướng Mahathir Mohamad đưa ra sau khi liên minh cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.2018. Ông Muhyiddin cho biết thêm các bộ ngành đã thống nhất về mặt nguyên tắc nhưng cần có thêm ý kiến tham vấn về vai trò cũng như cách vận hành ủy ban mới.
Theo quan chức chính phủ, giới nghị sĩ và các nhà vận động, thành lập IPCMC là bước đi cần thiết đầu tiên nhằm điều tra và ngăn chặn những cái chết bất thường gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Suaram cho thấy có 143 người chết lúc bị tạm giam tại đồn cảnh sát ở Malaysia trong giai đoạn 2008 - 2018.
Trong đó có trường hợp ông S.Balamurugan bị tạm giam tại đồn cảnh sát thủ phủ Klang của bang Selangor với cáo buộc trộm xe hơi hồi năm 2017. Sau đó, khi xuất hiện trước tòa, ông ho ra máu và thẩm phán yêu cầu đưa người này đến bệnh viện. Tuy nhiên, cảnh sát lại đưa S.Balamurugan trở lại phòng tạm giam và nạn nhân đã tử vong trong đêm.
Kết quả khám nghiệm tử thi phát hiện 20 vết thương nghi do dùi cui gây ra trên đầu, bụng và tay chân nạn nhân nhưng đến nay không có ai chịu trách nhiệm về vụ việc, theo tờ Malay Mail.
Trước đó, ông Cheah Chin Lee (36 tuổi) chết trong đồn cảnh sát TP.George Town vào ngày 13.8.2012. Báo cáo điều tra chính thức kết luận ông Lee tử vong do ngạt thở vì treo cổ. Phía cảnh sát khẳng định nạn nhân tự sát chỉ trong 5 giờ, 20 phút sau khi bị bắt giữ với cáo buộc trộm xe máy.
Sau nhiều lần kiện tụng, mãi đến năm 2017, tòa án mới phán quyết cái chết của ông Cheah là do “sự khinh suất” của hơn 10 cảnh sát tại đồn lúc bấy giờ, đồng thời yêu cầu bồi thường cho gia đình. Tuy nhiên, không ai bị truy tố và báo cáo điều tra không lý giải ông Cheah tự sát như thế nào.
“Hầu hết những người liên quan hiện vẫn làm việc trong ngành. Họ không bị truy tố hình sự hoặc thậm chí là kỷ luật”, ông Dobby Chew thuộc tổ chức Suaram nói với The Star.
Trong báo cáo mới nhất, Ủy ban Nhân quyền thuộc chính phủ Malaysia cũng kết luận cảnh sát thiếu biện pháp ngăn chặn những cái chết bất thường khi tạm giam. Trước tình hình này, một nhóm các nhà vận động cùng đại diện gia đình các nạn nhân hôm 8.4 đến trình quốc hội bức thỉnh nguyện thư kêu gọi nhanh chóng thành lập IPCMC. Hiện diện tại sự kiện có nhiều nghị sĩ cấp cao và quan chức chính phủ.
The Star dẫn lời nghị sĩ Kasthuriraani Patto cho biết bà sẽ sớm thảo luận với Văn phòng thủ tướng và Bộ Nội vụ để đẩy nhanh tiến độ. Về phần mình, chính phủ cử Thứ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Sivarasa Rasiah nhận thỉnh nguyện thư và ông nhận định: “Văn hóa không ai chịu trách nhiệm trong lực lượng cảnh sát sẽ không thể thay đổi chỉ sau một đêm. Một khi IPCMC ra đời, những vụ chết người tại đồn sẽ được điều tra độc lập. Từ đó, tôi nghĩ chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy thay đổi về hành vi”.
[VIDEO] "Biện pháp nghiệp vụ" khiến cảnh sát Indonesia phải xin lỗi: dùng rắn để hỏi cung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.