Những ca sống sót kỳ diệu sau tai nạn hàng không

04/11/2015 20:00 GMT+7

(TNO) Vụ tai nạn máy bay mới nhất ngày 4.11 khi chiếc An-12 do Nga chế tạo bị rơi lúc vừa cất cánh, làm chết 41 người ở Nam Sudan, nhưng điều kỳ diệu là có 2 người sống sót từ tai nạn này. Và đây không phải là điều hiếm hoi.

(TNO) Vụ tai nạn máy bay mới nhất ngày 4.11 khi chiếc An-12 do Nga chế tạo bị rơi lúc vừa cất cánh, làm chết 41 người ở Nam Sudan, nhưng điều kỳ diệu là có 2 người sống sót từ tai nạn này. Và đây không phải là điều hiếm hoi.

Hiện trường máy bay vận tải An-12 rơi khi vừa cất cánh sân bay Juba, Nam Sudan ngày 4.11 - Ảnh: ReutersHiện trường máy bay vận tải An-12 rơi khi vừa cất cánh sân bay Juba, Nam Sudan ngày 4.11 - Ảnh: Reuters

Trước đó, ngày 31.10, chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) đã rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập), tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng. Tai nạn máy bay thường cướp đi sinh mạng của nhiều hành khách và phi hành đoàn, nhưng cũng có những trường hợp sống sót kỳ diệu đến khó tin. Báo Komsomolskaya Pravda của Nga ngày 3.11 đã thống kê 7 trường hợp hiếm hoi như thế.

1.  Tháng 12.1972, tại Peru xảy ra một vụ tai nạn máy bay kinh hoàng khiến 92 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng. Chiếc máy bay Lockheed L-188A bị sét đánh vỡ tan tành khi đang bay ở độ cao 3.000 m bên trên một khu rừng. Cuộc tìm kiếm cứu nạn kéo dài 9 ngày và cuối cùng người ta đã tìm thấy hành khách duy nhất sống sót - cô nữ sinh 17 tuổi Juliane Koepcke.

Mặc dù bị gãy một xương đòn, trên mặt có nhiều vết thương rất nặng và toàn thân bầm tím, Juliane vẫn sống được hơn một tuần trong rừng rậm.

Về sau Juliane kể lại, khi máy bay vỡ tan, dãy ghế mà cô ngồi văng ra và quay tít theo phương nằm ngang như cánh chong chóng, vì thế giảm được tốc độ rơi. Ngoài ra, cô còn may mắn rơi xuống một ngọn cây rất rậm lá, nhờ vậy khi tiếp đất, lực va đập không còn quá mạnh. Các nhà điện ảnh Ý đã mô phỏng trường hợp này để làm bộ phim Điều kỳ diệu vẫn xảy ra.

2.  Điều kỳ diệu vẫn xảy ra, lần này thì tại vùng Viễn Đông của Liên Xô. Ngày 24.8.1981, ở độ cao 5.000 m, một chiếc máy bay chở khách loại nhỏ chẳng may va chạm với máy bay ném bom Tu-16 của không quân. Tất cả mọi người trên cả hai máy bay bị thiệt mạng, trừ nữ hành khách 20 tuổi Larisa Savitskaya.

Khi tai nạn xảy ra, theo phản xạ tự nhiên, Larisa ôm chặt lấy chồng ngồi ghế bên (họ mới cưới nhau và đang đi du lịch trăng mật). Tuy nhiên, do tiếp đất ở tư thế bất lợi nên người chồng chết ngay tức khắc, còn Larisa thì tuy bị thương nặng nhưng không nguy kịch. Cô ngồi bên thi thể chồng suốt hai ngày đêm trước khi được trực thăng cứu nạn tìm thấy.

Larisa hai lần được đưa vào Sách kỷ lục Guinness trong hai tư cách khác nhau: người duy nhất sống sót sau khi rơi từ độ cao 5.000 m và hành khách máy bay bị nạn được đền bù thấp nhất - chỉ vẻn vẹn 75 rúp (thời đó tương đương 20 USD).

3. Thảm kịch xảy ra ở dãy núi Andes (Nam Mỹ) cũng trở thành cốt truyện cho bộ phim Alive (Sống sót) phát hành năm 1993. Vào ngày 13.10.1972, chuyến bay 571 của không quân Uruguay chở 45 hành khách gồm các cầu thủ đội bóng bầu dục sinh viên Uruguay và người thân của họ bị rơi. 10 người đã thiệt mạng ngay tức khắc, những người còn lại phải cầm cự với cái lạnh trên núi cao (vị trí máy bay rơi là sườn núi nằm ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển) mà không có thức ăn. Cho tới ngày thứ 72 kể từ khi xảy ra tai nạn, họ được cứu, nhưng chỉ còn 16 người sống sót.

Để tồn tại trong điều kiện băng giá, họ buộc lòng phải ăn thịt của những đồng đội đã chết, vì số thực phẩm mang theo nhanh chóng cạn kiệt và xung quanh không hề có bất cứ thứ gì để ăn, chỉ có băng, tuyết và đá núi.

Về sau, để giúp những người sống sót tránh búa rìu dư luận (về chuyện ăn thịt người), nhiều người đã viện dẫn một câu trong Kinh Thánh: “No man hath greater love than this: that he lay down his life for his friends - Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó thác sự sống của mình. Sách Phúc âm John, câu 13, chương 15).

4.  Cũng trong năm 1972, một tai nạn hàng không kinh hoàng xảy ra với chiếc máy bay McDonnell Douglas DC 9-3 chở khách từ Copenhagen (Đan Mạch) đến Zagreb (Nam Tư). Một quả bom do bọn khủng bố cài đặt trong khoang hành lý đã phát nổ khi máy bay đang bay ở độ cao 10.600 m trên bầu trời thị trấn Serbsk Kamenica của Tiệp Khắc. 27 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng, chỉ duy nhất nữ tiếp viên 22 tuổi Vesna Vulovich thoát chết, dù bị chấn thương sọ não, gãy cả hai chân và tổn thương 3 đốt sống.

Trong 27 ngày tiếp theo, Vesna bị hôn mê sâu và 16 tháng tiếp theo đó được điều trị theo phác đồ đặc biệt. Khác với những hành khách bị rơi cùng ghế ngồi (do thắt đai an toàn), Vesna hoàn toàn rơi tự do không dù, không ghế đỡ, từ độ cao trên 10 km mà vẫn không chết. Sách kỷ lục Guinness đã ghi nhận trường hợp này.

5. Một trong những tai nạn hàng không thảm khốc nhất có thể kể là vụ rơi máy bay Boeing 747 SR-46 của Hãng hàng không Japan Airlines vào ngày 12.8.1985, xảy ra gần dãy núi Takamagahara cách Tokyo khoảng 100 km.

Trong số 520 người có mặt trên máy bay chỉ có 4 người sống sót và tất cả đều là nữ: tiếp viên Hiroko Eshidzaky, hành khách Mikyko 34 tuổi cùng đứa con gái 8 tuổi của mình, và đặc biệt là cô bé Keyko Kawakami 12 tuổi bị vướng trên ngọn cây cao.

6. Năm 1987, bức ảnh bé gái Cecilia Xichang 4 tuổi được truyền đi khắp thế giới. Đó là hành khách duy nhất sống sót như một điều kỳ diệu trong tai nạn máy bay xảy ra ở Detroit (bang Michigan, Mỹ). Thảm kịch cướp đi sinh mạng của 156 người, nhưng trong vụ này việc bé Cecilia có thể sống sót, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn.

Chiếc McDonnell Douglas MD-82 đã không thể lấy độ cao nên đâm phải cây cột đèn đường bên ngoài sân bay, lật ngửa và trượt trên đường, cuối cùng lao thẳng vào một cây cầu vượt. Các nhân viên cứu hộ đã chứng kiến một cảnh tượng đau lòng: bé Cecilia với đôi mắt tròn xoe vì sợ hãi cố vươn mình (do vẫn đang thắt đai an toàn) về phía thi thể của bố mẹ và cậu anh ruột 6 tuổi.

7. Ngày 30.6.2009, chiếc máy bay Airbus A310 chở 142 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn bay từ thủ đô Sana’a của Yemen đến thành phố Moroni, thủ đô đảo quốc Comoros của châu Phi bất ngờ bị rơi ngoài khơi Ấn Độ Dương. Lực lượng cứu hộ không hy vọng tìm được người sống sót.

Nhưng điều kỳ diệu đã xuất hiện: sau 10 tiếng đồng hồ kể từ khi tai nạn xảy ra, từ trên trực thăng, những người tham gia cứu nạn phát hiện có một người đang chấp chới trên mặt nước. Đó là cô bé Bahia Bakari, người gốc Comoros, sinh sống tại Paris, Pháp, đang trên đường cùng mẹ về quê nhà thăm ông bà.

Bahia sinh ngày 15.8.1995, nghĩa là khi xảy ra tai nạn, em chưa đầy 14 tuổi. Trước khi bị rơi xuống nước, cũng như mọi hành khách trên chuyến bay, cô bé đã không kịp mặc áo phao và tuy không biết bơi nhưng đã cầm cự suốt 10 tiếng đồng hồ bằng cách ôm chặt một mảnh vỡ thân máy bay nổi dập dềnh trên mặt nước.

 
Bà Annette và con gái về thăm lại Ô Kha vào giữa tháng 8.2014 - Ảnh: Độc Lập
Ngày 14.11.1992, Annette Herfkens người Hà Lan và chồng sắp cưới là Willem van der Pas cùng 31 hành khách rời TP.HCM đi Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Rủi thay, chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống thung lũng Ô Kha thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Nhiều hành khách chết ngay, một số khác còn sống nhưng rồi cũng trút hơi thở cuối cùng vài ngày sau đó. Riêng Annette, dù bị thương rất nặng nhưng vẫn sống được 8 ngày cho đến khi được cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.