Nhật - Úc tiến tới định hình liên minh quân sự 'NATO châu Á'?

24/11/2020 09:00 GMT+7

Việc Nhật Bản và Úc vừa đạt được thỏa thuận đột phá về quân sự khiến Trung Quốc lo ngại về một tương lai định hình liên minh NATO phiên bản châu Á.

Trong chuyến công du đến Nhật Bản hồi tuần trước, Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp chủ nhà Yoshihide Suga đã ký thỏa thuận quân sự song phương có tên Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA). Liên quan thỏa thuận này, Văn phòng Thủ tướng Úc phát đi thông cáo nhấn mạnh về quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt song phương, “cam kết hợp tác sâu sắc để hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do, cởi mở và ổn định”.

Răn đe Trung Quốc

Thời gian qua, Nhật và Úc cùng với Mỹ, Ấn Độ hình thành nên “bộ tứ kim cương” theo đuổi chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trả lời Thanh Niên ngày 23.11, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích RAA giữa Tokyo và Canberra tương đương với Thỏa thuận quy chế đóng quân (SOFA) mà Tokyo đã ký kết với Washington nhằm điều chỉnh các vấn đề phát sinh của việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Mặc dù Úc không đồn trú quân đội tại Nhật, nhưng việc tăng cường tập trận chung cả trên bộ lẫn trên biển, cũng như các chuyến thăm viếng giữa lực lượng quân sự hai bên đã thúc đẩy ký kết RAA.
Bên cạnh đó, theo GS Sato, Thỏa thuận thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) mà Úc và Nhật ký năm 2010 cho phép quân đội Úc và lực lượng phòng vệ Nhật hỗ trợ hậu cần lẫn nhau. Khi hai nước tham gia tích cực hơn vào các hoạt động an ninh ở Indo-Pacific để đối phó các mối đe dọa an ninh khác nhau, việc tăng cường hỗ trợ hậu cần thông qua các thỏa thuận hợp tác sẽ càng hiệu quả hơn. RAA mới được ký giúp lấp khoảng trống quan trọng về quản lý nhân sự trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Canberra và Tokyo. Bởi thỏa thuận này đảm bảo tính minh bạch và khả năng kiểm soát của chính phủ quốc gia sở tại đối với quân đội nước khác đồn trú trên nước mình. Các thỏa thuận như vậy giảm thiểu rủi ro xung đột tiềm ẩn, thể hiện sự hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn.
“Úc và Nhật đang tiếp tục xu thế ngày càng hoạt động tích cực, hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực. Ấn Độ và Nhật Bản đã ký kết ACSA vào năm 2019. Vài tháng trước, Ấn Độ và Úc cũng đã ký kết Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau (MLSA) bao gồm các điều khoản về hỗ trợ hậu cần và tạo điều kiện hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau. Các thỏa thuận song phương tương tự cũng đã đạt được giữa các thành viên trong “bộ tứ kim cương” (bao gồm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn) nhằm gửi tín hiệu răn đe đối với Trung Quốc và để đảm bảo với các nước Đông Nam Á có thể tin cậy vào cam kết của “bộ tứ” đối với an ninh khu vực trước các mối đe dọa quân sự”, GS Sato nhận xét.

Bắc Kinh phải tính toán trước khi gây hấn

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 23.11, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho biết RAA mà Nhật và Úc vừa ký kết không phải là một hiệp ước quốc phòng với cam kết chính thức tham gia vào một cuộc xung đột hoặc hỗ trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh nhất định. Thỏa thuận này thiết lập một cơ chế để tăng cường hợp tác quốc phòng nếu các mối quan ngại an ninh chung phát sinh.
“Thỏa thuận trên có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Indo-Pacific, đặc biệt ở Biển Đông là nơi cả Úc và Nhật đều có lợi ích chung trong việc đảm bảo tự do hàng hải qua vùng biển này. RAA giữa Úc và Nhật đảm bảo hai nước có thể cùng tạo ra ảnh hưởng, phối hợp hỗ trợ để giải quyết bất cứ thách thức nào ở khu vực tây Thái Bình Dương”, cựu đại tá Schuster nói.
Ông phân tích thêm: “Mặc dù việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông có thể là nguyên nhân dẫn đến thỏa thuận trên. Nhưng vì thỏa thuận không đề cập đối tượng mục tiêu hoặc mối quan tâm cụ thể, mà chỉ là cam kết cùng phối hợp để giải quyết vấn đề an ninh chung, nên chính hành vi của Bắc Kinh mới quyết định Trung Quốc có trở thành mục tiêu của mối quan tâm an ninh chung mà Úc và Nhật cùng chia sẻ hay không. Đây là điều mà Bắc Kinh phải tính toán trước khi tiến hành bất cứ hành vi gây hấn nào ở tây Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông”.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo, trực thuộc Nhân Dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây liên tục đăng tải nhiều bài viết chỉ trích RAA mà Nhật và Úc vừa ký kết. Tờ báo cho rằng Nhật và Úc trở thành các tiền đồn của Mỹ ở khu vực để xây dựng liên minh quân sự “NATO châu Á”. Trong một bài báo khác, Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng Nhật đang tiên phong định hình một NATO ở Indo-Pacific.
Mỹ cam kết bảo vệ Philippines ở Biển Đông
Hôm qua 23.11, trong chuyến thăm Philippines, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien trao tặng nước chủ nhà gói vũ khí trị giá 18 triệu USD và tái cam kết hiệp ước phòng thủ song phương áp dụng cho mọi cuộc tấn công nhắm vào Philippines, theo báo Philippine Daily Inquirer. Ông O’Brien còn tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung được ký vào năm 1951 vẫn áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu Philippines ở Biển Đông.
Đại diện nhận gói viện trợ, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho hay số vũ khí này sẽ được sử dụng chống lại các tay súng theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền nam Philippines. 
Văn Khoa
Khuyến nghị Anh chuyển hướng vào Indo-Pacific
Truyền thông Anh hôm qua 23.11 dẫn báo cáo của giới chính khách nước này cho rằng Anh nên tập trung chuyển hướng vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), đầu tư các nguồn lực về quân sự, tài chính, ngoại giao để xây dựng một đối trọng lớn trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đe dọa trật tự thế giới sau năm 1945.
Trước đó, Pháp và Đức lần lượt công bố chiến lược Indo-Pacific vào tháng 6 và tháng 9. Tiếp sau đó, Đức chia sẻ dự định gửi chiến hạm đến đây để tập trận cùng hải quân Úc. Giới lãnh đạo quân sự Anh cũng muốn đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á, tham gia chiến lược chung nhằm đối phó hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại khu vực.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.