Nhật quay lại đánh bắt cá voi thương mại sau 31 năm

Kiều Trang
Kiều Trang
04/07/2019 07:00 GMT+7

Ngư dân Nhật Bản đã có chuyến ra khơi đầu tiên sau hơn 30 năm để đánh bắt cá voi thương mại, bất chấp những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế .

Sáng 1.7, một đội tàu 5 chiếc của ngư dân Hokkaido đã rời cảng Kushiro, miền Bắc nước Nhật, bắt đầu chuyến đi săn cá voi đầu tiên sau hơn 30 năm. Chỉ vài giờ sau, hai con cá voi minke đã được đưa vào bờ, theo The Guardian.
Ông Yoshifumi Kai, Chủ tịch Hiệp hội Cá voi cỡ nhỏ Nhật Bản, nói: “Hôm nay là một ngày tuyệt vời. Chúng tôi đã chờ đợi 31 năm. Dù chỉ là một ngành công nghiệp nhỏ, nhưng tôi tự hào vì nó. Người dân quê tôi đã đánh bắt cá voi hơn 400 năm rồi”.
Theo cơ quan thuỷ sản Nhật Bản, hạn ngạch đánh bắt thương mại cho năm đầu tiên là 227 con cá voi và sẽ được điều chỉnh theo từng năm. Động thái này diễn ra sau khi Nhật Bản rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) hôm 30.6 do không tìm được tiếng nói chung với tổ chức này trong việc mở lại hoạt động đánh bắt cá voi.

Làng Nhật Bản mong truyền thống ẩm thực với thịt cá voi không mai một

Tranh cãi không hồi kết

 
Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố nước này cảm thấy thất vọng khi IWC – tổ chức mà theo ông đang nằm dưới sự chi phối của các nhà bảo tồn, chỉ tập trung vào công tác bảo vệ số lượng dù ủy ban này được ủy thác để vừa bảo tồn, vừa phát triển bền vững ngành công nghiệp đánh bắt cá voi.
Phía Nhật Bản cho rằng họ có chứng cứ khoa học về việc nhiều loài cá voi đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ nên việc đánh bắt có kiểm soát sẽ không đe doạ quá nhiều đến quần thể loài động vật này. Bên cạnh đó, đối với Nhật, việc săn bắt cá voi còn là nét đặc trưng trong văn hoá và cũng cần được giữ gìn như bao truyền thống khác.
Tuy nhiên, “truyền thống" này của Nhật Bản bị nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế lên án.
Chính phủ Úc cho biết họ "cực kỳ thất vọng" trước quyết định rút khỏi IWC, quay lại đánh bắt cá voi thương mại của Nhật Bản. Còn đại diện New Zealand cho rằng việc săn bắt cá voi đã “lỗi thời và không còn cần thiết”. Đáp lại những chỉ trích, Nhật Bản tuyên bố: "Thật đáng tiếc khi phải nói rằng các quốc gia có những quan điểm khác nhau và không thể nào cùng chung sống trong IWC".
Trước đó, Nhật và cộng đồng quốc tế đã nhiều phen căng thẳng về việc nước này vẫn giết chết một số lượng lớn cá voi mỗi năm tại Nam Cực cho mục đích “nghiên cứu khoa học". Tháng 3.2014, tòa án Công lý quốc tế đưa ra phán quyết cấm hoàn toàn hoạt động đánh bắt cá voi của Nhật tại đây. Ngay sau đó, đại diện Nhật Bản đáp trả đây là phán quyết “mang tính tấn công về văn hóa và là một hình thức thành kiến với văn hóa Nhật".

Có thể là tin tốt

 Chia sẻ với Reuters, ông Patrick Ramage - Giám đốc Bảo tồn Biển tại Quỹ Bảo vệ Động vật Quốc tế, đánh giá động thái rời IWC của Nhật Bản lại là một giải pháp tốt để mở đường cho việc nước này từ bỏ săn bắt cá voi.
“Đây là một quyết định tốt cho cá voi, cũng tốt cho Nhật Bản và cho bảo tồn biển quốc tế”, ông nói.
Sự thật là dù cuộc săn bắt cá voi cho mục đích thương mại diễn ra lần cuối vào năm 1986, nhưng Nhật Bản chưa bao giờ thực sự ngừng việc này. Theo số liệu từ IWC, dưới danh nghĩa “nghiên cứu khoa học", mỗi năm, Nhật Bản bắt khoảng 200-1200 cá thể cá voi, trong đó có nhiều con đang mang thai.
Các cuộc săn bắt này diễn ra chủ yếu ở Nam Cực - nơi cư trú của phần lớn cá voi trên thế giới. Trong khi đó, như cam kết sau khi rút khỏi IWC, Nhật Bản chỉ đánh bắt trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của mình và chỉ với một số loài đang phục hồi tốt như cá voi minke, bryde hoặc sei. Điều này đồng nghĩa việc săn bắt cá voi của Nhật Bản sẽ bị hạn chế cả về mặt không gian lẫn số lượng loài. Hay nói cách khác, Nhật Bản không còn được tận dụng sự miễn trừ của IWC đối với việc săn bắt cá voi cho “mục đích khoa học” ở vùng biển quốc tế. Phần lớn cá voi sẽ được an toàn.
Bên cạnh đó, số lượng người Nhật ăn thịt cá voi cũng giảm đáng kể trong những năm gần đây. Điều này đặt nghề săn cá voi trước một nguy cơ mới.
Kazuo Yamamura - Chủ tịch Hiệp hội Đánh bắt Cá voi Nhật Bản nói với Reuters: “Dù có giết mổ được nhiều thịt cá voi, không có nghĩa bạn sẽ kiếm được nhiều tiền”.
Hiện nay, khoảng 4.000-5.000 tấn thịt cá voi được tiêu thụ ở Nhật mỗi năm, tức chỉ 40-50 gram với mỗi người Nhật, theo Joji Morishita, Đại diện của Nhật Bản trong IWC. Khối lượng đó bằng nửa quả táo.
Giờ đây, phần lớn số lượng cá voi đánh bắt hàng năm được phục vụ trong các bữa ăn trưa ở trường học trong cộng đồng săn bắt cá voi. Phần lớn còn lại làm thức ăn cho thú cưng. Theo BBC, hàng nghìn tấn cá voi từ các cuộc săn bắt những năm trước vẫn còn trong kho lạnh. Ngành công nghiệp này giờ đây tồn tại được chủ yếu là nhờ nguồn trợ cấp từ chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.