Nhật muốn dùng máy thở thú y của ông Trần Ngọc Phúc trong điều trị bệnh nhân Covid-19

Khánh An
Khánh An
06/04/2020 14:50 GMT+7

Chủ tịch Trần Ngọc Phúc của công ty Metran tại Nhật cho biết Nhật và hơn 30 nước đang rất quan tâm đến việc dùng máy thở thú y đễ chữa cho bệnh nhân Covid-19 .

Hãng Reuters ngày 6.4 đưa tin một công ty thiết bị y tế ở Nhật Bản vừa được chính phủ đề nghị sản xuất hàng loạt máy thở cho động vật để chữa trị cho những người nhiễm Covid-19, trong khi nhiều nước cũng quan tâm.
Chủ tịch Trần Ngọc Phúc (Kazufuku Nitta) của công ty Metran cho biết chính phủ đề nghị vào cuối tháng 3 và Mỹ, Anh, Ấn Độ nằm trong số hơn 30 nước công ty đang thương thảo.

Nhân viên Metran kiểm tra sản phẩm máy thở tại nhà máy

Ảnh: Reuters

Công ty tư nhân này cũng có sản xuất máy thở cho người, nhưng ông Phúc cho biết máy thở thú y đơn giản hơn nên dễ sản xuất hơn và chi phí chỉ bằng 1/10 so với máy thở cho người.
“Trong đại dịch, sẽ không có đủ bác sĩ với kiến thức chuyên môn tại chỗ. Một chiếc máy đơn giản và an toàn sẽ cần thiết cho các bác sĩ không quen với thiết bị [chuyên dụng]”, theo ông Phúc.
Theo Đài NHK, số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật tiếp tục tăng, dẫn đến lo ngại hệ thống y tế sẽ quá tải. Hơn 3.500 người đã có xét nghiệm dương tính và 85 người đã tử vong.
Tuần trước, chính phủ ra lệnh cho các vùng bị ảnh hưởng nặng nhất dành giường bệnh cho những ca nặng. Thủ tướng Shinzo Abe báo cáo với Quốc hội rằng chính phủ có trên 8.000 máy thở để chữa trị những bệnh nhân nặng.

Máy thở Compos X của Metran ban đầu được thiết kế cho ngành thú y nhưng có thể sẽ được dùng để chữa Covid-19

Ảnh: Reuters

Metran đang cân nhắc đưa vào hệ thống sản xuất khoảng 5.000-15.000 máy thở thú y, ông Nitta nói nhưng không đưa ra khung thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, ông đang cân nhắc nhượng quyền cho các công ty nước ngoài sản xuất.
Một Việt kiều hướng về quê hương

Ông Trần Ngọc Phúc du học Nhật năm 1968. Đến năm 1984, ông cùng vài người bạn lập Công ty Metran chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế. Ông đã thành công trong việc nghiên cứu và phát triển chiếc máy hô hấp nhân tạo cao tần số, một sản phẩm kỹ thuật cao được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật. Công ty của ông tại thành phố Kawaguchi (tỉnh Saitama) từng được cựu Nhật hoàng Akihito đến thăm vào ngày 5.7.2012.

Theo TTXVN, ông Phúc hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản và là một trong nhiều Việt kiều hướng về quê hương trong đại dịch Covid-19. Ngoài việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy trợ thở cho đối tác Việt Nam với giá thành thấp, ông còn tiến hành cung cấp thông tin trực tuyến về dịch Covid-19 cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và nỗ lực hỗ trợ người Việt khi mắc bệnh.

Tại Mỹ, theo Đài WBFF, các bác sĩ thú y trên cả nước đang tìm cách hỗ trợ giải quyết nhu cầu máy thở cứu bệnh nhân Covid-19.
Trung tâm thú y tại New York đã tăng ít nhất 4 máy thở cho Bệnh viện Lão khoa New York vào tuần trước.

[VIDEO] Mặt nạ lặn có khả năng thay thế máy thở khi điều trị Covid-19?

Bác sĩ thú y Emily Stefan tại Bệnh viện Thú y VCA Columbia cũng cho biết nhiều máy thở thú y được chuyển đổi công năng thành máy thở cho người.
“Với đại dịch như Covid-19 đang hoành hành, tôi không ngạc nhiên một giây nào về việc bất cứ bác sĩ thú y nào có máy thở cũng sẽ đóng góp”, bà Stefan chia sẻ. Theo bác sĩ này, việc sử dụng máy thở thú y cho người không có gì là bất thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.