Nhật Bản ra "tối hậu thư" cho LHQ

28/07/2005 23:18 GMT+7

Ngoại trưởng Nhật Bản N.Machimura hôm 27/7 tuyên bố nước này sẽ phải chịu áp lực lớn từ công chúng về việc cắt đóng góp cho Liên Hiệp Quốc (LHQ), nếu không giành được ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an (HĐBA).

Nhật Bản khẳng định họ đáng được một ghế thường trực tại HĐBA vì là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Nhật cũng là nước đứng thứ 2 thế giới về đóng góp ngân sách thường xuyên cho LHQ, chiếm 19,5% tổng số tiền đóng góp trong năm qua, chỉ sau Mỹ với 22%. Ngoài ra, chưa kể hàng trăm triệu USD mà nước này dành cho các chương trình chống đói nghèo, dịch bệnh, di cư, tị nạn và phát triển nông thôn... ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài Mỹ, mỗi thành viên thường trực còn lại của HĐBA hiện nay đóng góp chưa tới 10% cho ngân sách của LHQ. Tổng các khoản đóng góp của Nhật Bản cho LHQ lớn hơn tổng số tiền đóng góp của 4 thành viên thường trực là Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Hồi đầu tuần này, Nhật tuyên bố sẽ viện trợ lương thực trị giá 14 triệu USD cho châu Phi. Những điều này cho thấy Nhật Bản luôn là một "nhân vật quan trọng" trong các chương trình của LHQ. Thế nên, tuyên bố của Ngoại trưởng N.Machimura cũng có thể coi là một "tối hậu thư" mà đất nước vùng Đông Á gửi tới LHQ.

Nhật Bản cùng với Đức, Ấn Độ và Brazil, được gọi là nhóm G-4, đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Phi (AU) gồm 53 thành viên về kế hoạch mở rộng HĐBA. G-4 cần ít nhất 35 phiếu từ châu Phi để đạt được sự ủng hộ của 2/3 trong tổng số 191 thành viên của Đại hội đồng nhằm giúp đề xuất cải tổ của họ được thông qua. Ngoại trưởng Nigeria O.Adeniji bày tỏ tin tưởng kế hoạch trên sẽ trở thành hiện thực. Theo Adeniji, bất đồng về việc cải tổ HĐBA chỉ là ở một số ít nước. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ai Cập A.Gheit và Đại sứ Algeria tại LHQ A.Baali bác bỏ điều trên và cho rằng hiện đang có sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia châu Phi.

HĐBA hiện có 15 thành viên, trong đó 10 nước được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm và 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Hiện G-4 đang đề nghị một hội đồng 25 thành viên, trong đó có 6 thành viên thường trực mới (gồm G-4 và 2 ghế của châu Phi) nhưng không được trao quyền phủ quyết trong vòng 15 năm. Trong khi đó, AU muốn HĐBA có 26 thành viên, với 6 ghế thường trực mới có quyền phủ quyết, trong đó có 2 ghế dành cho lục địa đen, và thêm 5 ghế không thường trực. Trước đề nghị mở rộng HĐBA của G-4 và AU, nhóm Liên kết vì sự đồng thuận gồm Pakistan, Mexico, Ý đề nghị thiết lập một hội đồng 25 thành viên, với sự thu nạp duy nhất 10 thành viên không thường trực mới. Mọi hình thức cải tổ đều phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 trong tổng số 191 thành viên của Đại hội đồng để có thể được thông qua. Tuy nhiên, kể cả khi giai đoạn này được vượt qua, 5 thành viên thường trực HĐBA vẫn có thể phản đối mọi hình thức sửa đổi Hiến chương LHQ nhờ việc áp dụng quyền phủ quyết của mình.

Sau 10 năm nổ ra các cuộc tranh cãi dường như vô tận này, Tổng thư ký LHQ K.Annan hồi tháng 3 tuyên bố, ông mong muốn một quyết định rõ ràng về việc mở rộng HĐBA trước khi diễn ra hội nghị giữa các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 9 tới.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.