Nhân chứng vụ thảm sát ở Philippines lên tiếng

11/09/2010 00:48 GMT+7

Một người giúp việc cho gia tộc Ampatuan vừa kể lại câu chuyện cha con nhà quyền thế này lên kế hoạch giết người tàn bạo ra sao.

Vụ thảm sát 57 người ở miền nam Philippines ngày 23.11.2009 đã qua gần 1 năm nhưng mức độ tàn bạo của nó có lẽ khó phai theo thời gian. Hôm đó, Andal Ampatuan Jr., con trai Ampatuan Sr., Tỉnh trưởng Maguindanao và là một chính trị gia thế lực, được cáo buộc đã chặn một đoàn xe chở người nhà của một đối thủ chính trị cùng nhiều nhà báo, bắn chết họ rồi dùng xe ủi vùi các thi thể xuống hố chôn khổng lồ đào sẵn. Các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trong đó có người đang mang thai. Ampatuan là một trong những gia tộc thế lực nhất ở miền nam Philippines, thậm chí có lực lượng vũ trang riêng. Ampatuan cha từng làm Tỉnh trưởng Maguindanao gần 1 thập niên dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo.

Lên kế hoạch tàn sát trong bữa ăn


Ampatuan con, nghi phạm trực tiếp ra tay giết người - Ảnh: AFP

Trong phiên xử đầu tiên vụ án gây chấn động hôm 8.9, Lakmudin Saliao, 33 tuổi, từng giúp việc cho gia đình Ampatuan 18 năm qua, kể lại những chuyện khiến người nghe rùng mình. Hôm 23.11.2001, Ampatuan Jr. gọi điện cho cha mình để báo rằng đoàn xe của đối thủ đã xuất hiện. “Chúng tới rồi”, Ampatuan Jr. nói. Người cha hỏi: “Toto có ở đó không?”, ý hỏi về Thị trưởng Buluan là Ismael “Toto” Mangudadatu. “Không ba à. Chỉ có vợ và chị em nhà hắn”. Ampatuan Sr. nói: “Con biết làm gì rồi đấy. Giết chúng đi. Còn lại thả nhà báo”. “Không. Xử hết đi. Nếu không lộ hết thì sao?”, Ampatuan Jr. nói. “Tốt”, Ampatuan Sr. khen con.

Hôm đó, đoàn xe chở người nhà ông Mangudadatu đi đăng ký tranh cử tỉnh trưởng cho cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5.2010. Ông này đã cho vợ và chị em mình đi thay vì nghĩ nếu có chuyện gì thì phụ nữ sẽ được tha. Mọi chuyện xảy ra kinh hoàng hơn ông nghĩ nhiều. Ông cũng đã đắc cử Tỉnh trưởng Maguindanao hồi tháng 5.

Vào hôm xảy ra thảm sát, Saliao ở nhà Ampatuan, giúp ông Tỉnh trưởng Maguindanao chỉ thị con trai qua điện thoại di động. Sở dĩ anh giúp việc này tường tận mọi việc bởi Ampatuan con sau đó đã kể mọi việc qua điện thoại có bật loa. Sau vụ thảm sát, Ampatuan Jr. gọi cha mình nói: “Xong hết rồi đó ba. Bọn họ chết hết rồi”. Ampatuan cha bảo con mình rời khỏi hiện trường. Saliao nói rằng ông ta rất sung sướng và cứ cười hoài.

Người giúp việc Saliao kể tiếp rằng, 6 ngày trước khi vụ thảm sát xảy ra, gia tộc Ampatuan đã có cuộc họp bàn cách đối phó với đối thủ chính trị trước đợt bầu cử. “Dễ thôi ba à. Giết hết bọn chúng đi”, Saliao thuật lại lời Ampatuan Jr. nói. Sau đó, Ampatuan cha chỉ đạo: “Đừng giao việc chặn đường cho ai hết. Chính con phải tự chặn họ lại ở đường cao tốc, gần chỗ có cái hố đào sẵn”. Ampatuan Sr. kết thúc buổi họp sau khi những người con trai và anh em họ của ông ta lên tiếng ủng hộ kế hoạch máu lạnh này. Không khí buổi họp bàn kế hoạch giết chóc này được Saliao miêu tả là trong một bữa ăn tối và đầy tiếng cười. Thậm chí, theo lời kể, những phụ nữ nhà Ampatuan cũng có mặt, đứng dậy cười và nói họ đồng ý với việc giết chóc.

Phiên tòa thế kỷ

Theo Báo Inquirer, Ampatuan Jr., Ampatuan Sr. và 4 người khác trong gia tộc này nằm trong số 196 người đang phải đối mặt với các cáo buộc thảm sát. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 tay súng trong nhóm vũ trang được gọi là quân đội riêng của gia tộc này đang ngoài vòng pháp luật. Những người này bị tình nghi đã cùng Ampatuan Jr. tham gia thảm sát. Ngoài ra, 16 sĩ quan cảnh sát cũng phải ra tòa vì dính líu đến vụ việc.

Phiên tòa xét xử vụ thảm sát ở Maguindanao vừa bắt đầu hôm 8.9 tại Manila sau gần 1 năm. Đáng ra phiên tòa đã bắt đầu từ tuần trước nhưng luật sư của gia tộc Ampatuan yêu cầu có thêm thời gian để thu thập thông tin. Theo AFP, các tổ chức nhân quyền và người nhà nạn nhân cáo buộc rằng gia tộc Ampatuan dùng chiến thuật câu giờ để cho người khủng bố nhân chứng. Elaine Pearson, Phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho hay đã có ít nhất 5 người biết về vụ việc đã bị giết, bao gồm  một nhân chứng quan trọng.

Người ta cũng lo ngại rằng với số lượng nhân chứng lớn, bao gồm 227 nhân chứng của bên nguyên và 373 nhân chứng của bên bị cáo, có thể khiến phiên tòa kéo dài tới... 200 năm.

Cũng nên nhắc lại rằng, trong số 57 người bị giết thì có ít nhất 30 người là nhà báo. Vụ thảm sát ở Maguindanao có lẽ là vụ tấn công nhằm vào nhà báo nghiêm trọng nhất trong lịch sử báo chí.

Việt Phương (VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.